Bí thư chi bộ, trưởng bản mẫu mực bảo vệ đường biên, cột mốc
Là xã biên giới với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, những năm qua bí thư chi bộ, trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) Sùng Văn Cấu luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương, tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân bản tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên, cột mốc, đẩy lùi các hủ tục.
Bí thư chi bộ, trưởng bản Mùa Xuân Sùng Văn Cấu (người thứ hai từ phải sang) trao đổi kinh nghiệm bảo vệ đường biên, cột mốc.
Con đường từ bản Mùa Xuân tới cột mốc 323 mà trưởng bản Cấu nhận trông coi dài gần 10 km. Hơn 6 năm qua, mỗi tháng 1 - 2 lần ông lên thăm cột mốc. Mỗi lần như thế, trưởng bản Cấu vượt con dốc Sa Mú, men theo khe hai con suối Xia và Xía Nọi, tay cầm dao phát quang những cành cây rừng chắn lối.
Xác định việc bảo vệ biên cương không chỉ là trách nhiệm, mà còn là quyền lợi, niềm tự hào của mỗi người dân, bởi vậy mỗi lần lên cột mốc tuần tra, ông Cấu cần mẫn phát quang những cây cỏ xung quanh cột mốc, quét dọn sạch sẽ, kiểm tra tỉ mỉ, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên đường biên, cột mốc thì kịp thời báo cáo ngay với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo.
Trưởng bản Cấu cho biết, cuộc đời ông tính đến nay gắn liền với rừng, bởi vậy đoạn biên giới từ cột mốc 322 đến cột mốc 323 giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào) ông thuộc làu, nắm rõ từng đường mòn, lối mở. Từng trải qua nhiều cương vị công tác, từ phó bản, trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận rồi bí thư chi bộ, trưởng bản, gắn bó máu thịt với bản làng, ông luôn nhận thấy bản thân phải có trách nhiệm giữ gìn sự nguyên vẹn của đường biên, mốc giới, tích cực giúp đỡ bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới để góp một phần nhỏ bé của mình giữ gìn và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Để huy động nhiều người tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh - trật tự ở khu vực biên giới, ông đã đến từng hộ dân trong bản phân tích, tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa ranh giới, các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc trong phạm vi mình tự quản ở địa bàn. Vận động người dân chung tay giúp cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng thực hiện cắm mốc giới, vận chuyển vật liệu, làm đường để bảo vệ cột mốc, kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vượt biên trái phép, đốt nương làm rẫy...
Bên cạnh đó, ông còn tích cực vận động người dân chuyển đổi hình thức canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, xóa đói giảm nghèo, tích cực bảo vệ, phát triển rừng, giữ gìn vệ sinh làng bản; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương, với bộ đội biên phòng những vấn đề bà con bức xúc để tìm cách giải quyết kịp thời. Trong năm 2023, trưởng bản Cấu đã vận động bà con dân bản trồng 63 ha rừng vầu; đưa giống lúa lai Nhật Bản vào gieo trồng 2 vụ/năm trên diện tích 10 ha, góp phần ổn định nguồn lương thực, đưa thu nhập bình quân của người dân trong bản lên 27 triệu đồng/năm.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Lương Văn Khău cho biết, bí thư chi bộ, trưởng bản Sùng Văn Cấu là người rất gương mẫu và trách nhiệm trong công việc. Mọi phong trào của bản phát động, triển khai đều được ông vận động họ hàng hưởng ứng, thực hiện tốt. Gia đình nào gặp khó khăn ông đều đến động viên, giúp đỡ. Ông khuyên bảo các cháu học sinh chăm chỉ học hành, nhắc nhở thanh, thiếu niên hăng hái lao động, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Hơn 20 năm tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương, 6 năm âm thầm tuần tra biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc, bí thư chi bộ, trưởng bản Sùng Văn Cấu đã thể hiện rõ vai trò “hạt nhân” của phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, luôn gương mẫu, đi đầu để mọi người dân trong bản Mùa Xuân học tập và noi theo.
Với những nỗ lực của mình, ông đã nhiều lần được các cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen. Nhưng có lẽ với ông, phần thưởng lớn hơn cả chính là tình cảm yêu thương, ủng hộ của bà con dân bản và sự tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo dành cho mình.