Bí thư Hà Nội: Không để thiếu thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là hàng hóa lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế...
Sáng nay (8/9), các đơn vị, lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đang tiếp tục khắc phục ảnh hưởng do bão số 3 gây ra theo nguyên tắc: Ưu tiên theo thứ tự giải quyết giải tỏa phục vụ đảm bảo giao thông, các tuyến đường trọng điểm, trục chính, nơi có các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện...
Không để thiếu thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát diễn biến mưa bão; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ với các tình huống. Bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng của bão trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì nhân dân.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là hàng hóa lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế phục vụ cấp cứu, chữa bệnh; chủ động triển khai lực lượng và các phương án phòng, chống mưa, lũ, nhất là những địa bàn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng; bảo vệ an toàn vững chắc các tuyến đê, các hồ, đập trên địa bàn...
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP. Hà Nội, mưa lớn do cơn bão số 3 đã làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại.
Cũng theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến tối qua đã có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy. Một số thiệt hại khác: có 5 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ 60m tường bao (thị xã Sơn Tây); 03 nhà bị tốc mái (quận Ba Đình); 20m tường nhà dân bị đổ (quận Bắc Từ Liêm); sập mái nhà cấp 4 (Quận Hai Bà Trưng); đổ 35m tường bao, sập đổ 1 bếp nhà dân, 1 nhà dân tốc mái tôn (huyện Ba Vì); 20m tường bao nhà dân bị đổ (huyện Chương Mỹ); khoảng 240 m tường bao bị đổ, 3 nhà tôn sập (huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức); thiệt hại 170 con gia cầm (huyện Ba Vì).
Có 17 trạm bơm tại địa bàn các huyện: Hoài Đức, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng mất điện, đang được khắc phục.
Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, hiện nay trên địa bàn các xã sau bị mất điện: Liên Châu, Hồng Dương, Tân Ước, Phương Trung, Thanh Thùy, Tam Hưng, Cự Khê, Cao Viên, Thanh Cao, Thanh Mai, Thanh Văn, Bích Hòa, Bình Minh, Mỹ Hưng, Dân Hòa. Nguyên nhân do dông lốc gây sự cố các đường dây, đổ cột điện công ty có phương án khác phục sớm khi thời tiết đảm bảo và yêu tiên cấp điện cho bơm tiêu úng.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Tổng công ty Điện lực Hà Nội tập trung xử lý thông đường giao thông sau bão, khôi phục cấp điện phục vụ tiêu nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội rạng sáng 8/9 đã điều động 400 cán bộ, chiến sĩ và 14 phương tiện chuyên dùng của lực lượng chủ lực phối hợp lực lượng tại chỗ giúp địa phương khắc phục hậu quả cây đổ tại 8 quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ giúp nhân dân thu hoạch hoa màu các vùng ngập úng; thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn..
Tại Quận Ba Đình, có 329 cây đổ, đã xử lý 279 sự cố; có 11 sự cố gãy, đổ cột điện, dây viễn thông, trạm biến áp trên địa bàn 5 phường, đến nay đã xử lý được 8/11 sự cố; 10 sự cố tốc mái nhà và đã được xử lý.
Tại quận Hà Đông, theo báo cáo nhanh đến 5h ngày 8/9 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận, bão số 3 đã khiến hơn 700 cây xanh đô thị bị gãy, đổ. Đã có 1 nhà dân bị sập do cây đổ, 22 nhà dân bị tốc mái tôn, 9 ô tô bị hư hỏng do cây đổ đè vào, một số tường rào cơ quan, đơn vị bị đổ...
Toàn quận có 25 cột điện, đèn chiếu sáng bị gãy, đổ; nổ 2 bốt điện, một số tuyến dây điện bị đứt do cây đổ vào.
Cho đến 5h sáng ngày 8/9, Hà Nội đã xảy ra 19 điểm úng ngập cục bộ, đến nay đã khắc phục còn 5 điểm ngập cụ thể. Tại lưu vực sông Cầu Bây: Các điểm Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều có hiện tượng dềnh nước nhẹ do mực nước sông Cầu Bây cao (mực nước tại Đập Trại lợn 4.05). Tại lưu vực sông Nhuệ: Chân cầu HH2 (đường Nguyễn Công Trác), Triều Khúc, các hầm chui Đại lộ Thăng Long số 3, số 5, số 9+656 ngập 15-20cm. Các điểm ngập trên đang được các đơn vị thoát nước xử lý hết ngập nước.