Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: Phát triển nguồn lực xanh, hạ tầng xanh, hành vi xanh
TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 15/9, Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” đã diễn ra tại Hội trường TPHCM.
Thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách.
Khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột. Đó là, phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Sau diễn đàn, TPHCM sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện khung chiến lược và triển khai khung hành động với nhiệm vụ, mốc thời gian cụ thể.
Bí thư Thành ủy thông tin thêm, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa nội dung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ký ngày 26/6/2023.
Cùng với đó là thảo luận nội dung thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TPHCM, nhằm tăng cường hợp tác với các trung tâm cách mạng công nghiệp lần 4 trên thế giới, hỗ trợ giải pháp đột phá cho TPHCM phù hợp với chính sách quốc gia và xu hướng quốc tế. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên…
Theo ông Nguyễn Văn Nên, TPHCM đang triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển, tạo môi trường và cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay hành trình tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng không.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” rất thiết thực và ý nghĩa. TPHCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước).
Về cơ bản, nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ, song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Phó Thủ tướng đề nghị, qua diễn đàn, TPHCM cần tận dụng tốt cơ hội kết nối và hợp tác. Diễn đàn được coi như một khởi động; sau diễn đàn, những hành động diễn ra trong thực tế tiếp theo mới quyết định sự thành công. Trong đó, hành động đòi hỏi một sự tương tác, phối hợp ở nhiều mức độ, cấp độ từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói: "Tôi đề nghị các bộ ngành liên quan lắng nghe, trao đổi các ý kiến, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, các tiêu chí xanh, các mô hình thử nghiệm. Trong đó, với đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động của nền kinh tế, TPHCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh TPHCM có Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù".
Tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển lưu ý: "Tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà phải thực hiện trọng tâm trọng điểm có lộ trình, có tiêu chí đánh giá. Hiện dư nợ tín dụng xanh cả nước mới chiếm 4,2% tổng dư nợ tín dụng, còn rất thấp. Cho nên ngành ngân hàng cần có cơ chế chính sách tài chính xanh, tạo sự chủ động cho các đô thị đặc biệt như TPHCM. Tôi tin tưởng diễn đàn sẽ góp phần vào sự phát triển chung của thành phố theo hướng xanh, trở thành địa phương đi đầu, hình mẫu trong chuyển mình tăng trưởng xanh của cả nước".
Ông Nguyễn Đức Hiển nhận định, với vai trò đầu tàu cả nước về kinh tế, việc TPHCM lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp định hướng của Đảng và xu thế thế giới. Qua rà soát các nghị quyết về phát triển năng lượng, nghị quyết về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nhiều nghị quyết khác, Ban Kinh tế Trung ương thấy rằng, nhiều chủ trương định hướng còn chưa được cụ thể hóa trong thực tiễn.
Điều này phần nào cũng gây khó khăn cho TPHCM trong chuyển dịch xanh. Nhiều vấn đề về năng lượng, đô thị cũng thiếu chính sách cụ thể. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: "Chúng tôi sẽ đồng hành với TPHCM trong nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù để triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, trên cơ sở đó nhân rộng ra cả nước".
Chúng ta không đứng một mình mà đi cùng nhau
Ông Jan Jambon, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất Vùng Flanders (Bỉ) cho biết, hơn 50 năm qua, từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973), quan hệ hai nước Việt Nam và Bỉ đã không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Ông Jan Jambon nói: "Điều tuyệt vời là trong quá trình chuyển đổi xanh này, chúng ta không đứng một mình mà đi cùng nhau. Chúng tôi có ngành công nghiệp hóa dầu lớn và cũng phải đối diện với những áp lực về môi trường. Tuy vậy, chúng tôi nỗ lực dành một lượng lớn GDP cho đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… Thông qua công nghệ, chúng tôi từng bước giải quyết được những vấn đề phức tạp, tái chế được gần 50% lượng rác các loại thải ra môi trường".
Trên hết, các yếu tố gồm chính sách, cơ chế bền vững sẽ giúp cho quá trình giảm phát thải ròng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từng bước đạt hiệu quả; góp phần truyền cảm hứng cho các quốc gia, các vùng, lãnh thổ trên thế giới…
Bà Tôn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân TP Thượng Hải (Trung Quốc) thông tin, là một trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vận tải quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ, Thượng Hải cũng đồng thời là một thành phố xanh, thấp carbon và thân thiện với môi trường. Thượng Hải đã thúc đẩy sự chuyển đổi xanh và thấp carbon chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, môi trường, giao thông và xã hội tái chế.
Từ khi Thượng Hải và TPHCM trở thành thành phố kết nghĩa vào năm 1994, hai bên đã tiến hành trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại và kinh doanh, giáo dục... Hai bên có nhiều khả năng hợp tác trong việc chuyển đổi xanh và thấp carbon trong tương lai. Bà Tôn Minh nói: "Chúng ta hãy cùng làm việc và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xanh và thấp carbon".
Như Ngọc