Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh: Dự án kết nối vùng quyết định môi trường đầu tư
Các dự án giao thông kết nối vùng, nhất là với TP HCM, và các cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Tây Ninh.
Ngày 19-9, Tỉnh ủy Tây Ninh đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh - nhấn mạnh dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực nhưng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng.
Kinh tế của Tây Ninh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, từ năm 2020-2021, GRDP tăng lần lượt 3,23% và 0,88%. Riêng năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, GRDP đạt mức tăng trưởng 9,2%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,07%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và ngành dịch vụ trong GRDP. Tây Ninh cũng đã tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ đang được hình thành và nhân rộng, song đóng góp cho tăng trưởng còn hạn chế. Ngành dịch vụ du lịch phục hồi và có mức tăng trưởng nhanh cả về doanh thu du lịch lần lượng khách tham quan.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Tây Ninh, với 24 chỉ tiêu chủ yếu được nghị quyết đại hội đề ra, qua đánh giá nửa nhiệm kỳ, các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội, môi trường, xây dựng Đảng đã đạt được trên 50% nhiệm vụ, khả năng cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành.
Trao đổi bên lề hội nghị với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Tâm cho rằng các dự án giao thông kết nối vùng, đặc biệt là kết nối với TP HCM và các cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Tây Ninh, giúp tỉnh thu hút các nhà đầu tư đến khai thác các tiềm năng của địa phương.
"Tôi cho rằng những dự án kết nối vùng có tính chất quyết định thay đổi điều kiện, môi trường đầu tư của Tây Ninh" - ông Tâm khẳng định. Theo ông, tỉnh đặc biệt quan tâm, tích cực phối hợp với Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ và các địa phương trong vùng để cụ thể hóa các chương trình cũng như dự án giao thông trọng điểm kết nối, giải quyết tốt những "điểm nghẽn" để Tây Ninh phát triển hơn.
Theo ông Tâm, Tây Ninh đang phối hợp với TP HCM hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đồng thời tiếp tục tập trung để chuẩn bị các thủ tục mời gọi đầu tư giai đoạn 1 tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.
Tây Ninh sẽ tập trung đầu tư kết nối với Bình Dương, Long An. "Các dự án này đã được lên ý tưởng thống nhất giữa các địa phương liên quan để triển khai trong thời gian tới. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận sẽ sớm hiện thực hóa được ý tưởng này để tạo ra điều kiện, không gian phát triển tốt hơn không chỉ cho Tây Ninh mà cả toàn vùng trong thời gian tới" - Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh kỳ vọng.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng đang triển khai đầu tư đường liên tuyến N8-787-; hoàn thành, đưa vào khai thác đường ĐT 782 - ĐT 784, đường Đất Sét - Bến Củi, tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quan tâm thúc đẩy các hoạt động kết nối trong lĩnh vực thương mại, du lịch nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương và thu hút du khách.
Tây Ninh còn tập trung kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép nghiên cứu, đề xuất, áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển "Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Mộc Bài" phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương song song với việc trình để thông qua điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài...