Bia sinh thái dùng nguồn nước tái chế từ nước thải chung cư

Đang uống cốc bia ngon mà được biết nguồn nước dùng sản xuất loại bia này từ nước thải chung cư đã qua xử lý, liệu bạn có can đảm uống tiếp? Bạn hoàn toàn yên tâm vì nước này đã được tái chế đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe.

Tại Mỹ, nhà máy bia Devil’s Canyon hợp tác với công ty xử lý nước Epic Cleantec, có trụ sở tại San Francisco, giới thiệu ra thị trường loại bia Epic OneWater Brew. Nguồn gốc nước để sản xuất bia từ nước thải tái chế tại tòa nhà chung cư cao cấp 40 tầng ở San Francisco.

Bia này hiện không bán do các quy định cấm sử dụng nước thải tái chế trong đồ uống thương mại, công ty chỉ sản xuất 7.000 lon.

Tại Đức, Reuse Brew là loại bia làm từ nước thải tái chế, kết quả của sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu tại Đức và một công ty công nghệ của Mỹ. Nước thải sau khi xử lý là nước sạch trong lành có thể sử dụng để uống và làm bia. Reuse Brew chưa bán rộng rãi nhưng đã được đón nhận nồng nhiệt khi được nếm thử tại hội chợ thương mại ở Munich, Đức trong tháng 5.

Loại bia có nguồn nước tái chế từ nước thải. Ảnh: ABC

Loại bia có nguồn nước tái chế từ nước thải. Ảnh: ABC

Hay tại Singapore, NewBrew là tên loại bia có nguồn nước từ nước thải đã qua xử lý. Sản phẩm là sự hợp tác của Cơ quan cấp nước Quốc gia Singapore (PUB) và nhà máy sản xuất bia Brewerkz. Loại bia mới là một phần trong nỗ lực truyền thông cho người dân Singapore về tầm quan trọng của tái chế và sử dụng nguồn nước một cách bền vững.

Một số đơn vị khác như nhà máy bia Village ở Canada hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Đại học Calgary và công ty công nghệ nước Xylem sản xuất bia từ nước thải tái chế. Hay như Nya Carnegie (Thụy Điển) hợp tác với tập đoàn Carlsberg và Viện nghiên cứu môi trường Thụy Điển IVL giới thiệu ra thị trường một loại bia được nấu từ nước thải đã qua xử lý.

Quy trình xử lý nước thải như thế nào?

Nước thải trong gia đình, trừ nhà vệ sinh, được gọi là nước xám. Nước này chứa nhiều bụi bẩn và hóa chất nhưng vẫn có thể xử lý thành nước uống. Điều này không chỉ giúp giảm hóa đơn tiền nước của hộ gia đình mà còn giải quyết vấn đề thiếu nước và hạn hán trên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra.

Epic Cleantec và nhà máy bia Devil’s Canyon đã lắp đặt một đơn vị xử lý nước tại tầng hầm của một tòa nhà chung cư 40 tầng ở San Francisco. Đơn vị này thu khoảng 34m3 nước thải mỗi ngày trong tòa nhà, trải qua quy trình xử lý tiên tiến và sau đó biến thành nước sạch. Hệ thống tái chế nước của Epic Cleantec có khả năng tái chế tới 95% nước thải, từ nước thải nhà vệ sinh, bồn rửa đến nước thải máy giặt, bồn tắm...

Hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: CNBC

Hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: CNBC

Ông Aaron Tartakovsky, giám đốc điều hành và đồng sáng lập Epic Cleantec, cho biết các tòa nhà trên toàn cầu sử dụng 14% tổng lượng nước uống được. Nhưng hầu như không có tòa nhà nào tái sử dụng nước đó. Đây là điều họ đang cố gắng thay đổi.

Đầu tiên, nước thải được xử lý sinh học, sau đó lọc qua các màng siêu nhỏ, có đường kính bằng 1/1.000 đường kính sợi tóc người. Cuối cùng là công đoạn được khử trùng bằng tia cực tím và clo. Hệ thống này cho ra nước an toàn để tái sử dụng.

Tương tự, nguồn nước thải làm bia Reuse Brew được xử lý qua các quy trình cơ học, sinh học và hóa học. Kết quả cuối cùng là nước sạch trong lành có thể sử dụng để uống. Công nghệ tiên tiến đã giúp việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Nước thải qua xử lý có thể uống được. Ảnh: CNBC

Nước thải qua xử lý có thể uống được. Ảnh: CNBC

Các đơn vị tái chế nước thải cho rằng, do nước tái chế có vị trung tính hoàn toàn phù hợp để nấu bia. Chris Garrett, ông chủ nhà máy bia Devil's Canyon, cho biết hương vị vượt quá mọi mong đợi. Một số người bạn của ông uống thử không thể phân biệt với một loại bia khác.

Theo một nghiên cứu của Đại học Stanford, nước thải tái chế có thể uống được và ít độc hại hơn các nguồn nước máy khác do được xử lý nghiêm ngặt hơn.

Mặc dù chưa được bán thương mại hóa rộng rãi do các quy định của các cơ quan chức năng địa phương, nhưng ý tưởng biến nước thải thành nước uống được ủng hộ, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn cung nước ngọt toàn cầu ngày càng căng thẳng.

(Theo CNN, USToday)

Duy Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bia-sinh-thai-dung-nguon-nuoc-tai-che-tu-nuoc-thai-chung-cu-2290497.html