Biến ảo cùng 'Lăng kính của Thủy'

'Lăng kính của Thủy' là triển lãm cá nhân thứ 2 của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với 40 tác phẩm chất liệu acrylic và mix media, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã vẽ, ghép thế giới của mình bằng những đa giác kết hợp giấy báo với những sắc màu rực rỡ, tràn đầy năng lượng.

“Lăng kính của Thủy” là lăng kính rất tươi vui, là những mảnh ghép biến đổi theo từng góc nhìn. Điều đặc biệt là, mỗi người khi đối diện với một bức tranh, sẽ đều có những góc nhìn, sự tưởng tượng của riêng mình.

Nói về triển lãm “Lăng kính của Thủy”, họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp - nguyên Phụ trách Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - đánh giá: “Vẫn là thủ pháp nghệ thuật cấu trúc khối của các polygon kỷ hà như đã sử dụng trong các tác phẩm của triển lãm cá nhân lần thứ nhất mang tên “Ghép ký ức”, song triển lãm lần này của Nguyễn Thu Thủy dường như tung tẩy hơn với nhiều khối hình hơn, như những hạt thủy tinh chuyển động dưới ánh mặt trời. Thủy sử dụng thêm chất liệu báo giấy kết hợp với acrylic trên toan để tạo nên sự thay đổi về bề mặt, tạo thêm những góc nhìn khác. Lăng kính của Thủy như thế giới của ống kính vạn hoa - một trò chơi thơ trẻ đầy ngẫu hứng và ẩn chứa sự bất ngờ, gợi nên cảm xúc vừa nhẹ nhàng, vui tươi vừa lôi cuốn, thách thức bởi sự phá vỡ những nguyên tắc thị giác và dấu hiệu của những yếu tố nghệ thuật mới…”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tại xưởng vẽ.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tại xưởng vẽ.

40 tác phẩm trong triển lãm “Lăng kính của Thủy” được sáng tác rải rác từ năm 2019 đến nay. Đặc biệt là trong năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng với nhiều ngày cuộc sống bị đảo lộn do giãn cách xã hội, thì họa sĩ Nguyễn Thu Thủy lại có những ngày tập trung cao độ vào công việc để có được thành quả như hôm nay.

Nhiều người đến xem triển lãm đã bày tỏ sự thích thú và đầy bất ngờ trước sự mới lạ, độc đáo trong những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Có thể nói, đây chính là thành quả của chặng đường tìm tòi, khám phá và định hình con đường với nghệ thuật hội họa của chị.

Ban đầu chị tìm tòi ở góc độ vẽ chân dung và đã có được những thành công nhất định ở triển lãm “Ghép ký ức”, sau đó chuyển sang vẽ cuộc sống, thiên nhiên quanh mình. Nếu như “Ghép ký ức” là cái nhìn nội tâm, soi chiếu thế giới bên trong mình với sự thể hiện tràn ngập tính nữ, thì “Lăng kính của Thủy” lại là cả một thế giới màu sắc rực rỡ, từ cỏ cây hoa lá đến những con vật gần gũi trong cuộc sống.

Họa sĩ cho biết, để vẽ được những tác phẩm với hình khối polygon này, chị phải đầu tư nhiều thời gian hơn so với cách vẽ thông thường và phải có phác thảo trước với sự hỗ trợ của máy tính. Sau đó, các thao tác đều được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn và sự kiên trì. Ẩn chứa trong bề mặt những hình khối đa sắc rực rỡ kia, bỗng hoa cỏ, cánh đồng, phong cảnh hoàng hôn, những con vật đáng yêu như chó, mèo, gà, hổ… hiện lên sinh động và đầy sức sống.

Đứng trước mỗi bức tranh ở khoảng cách xa - gần, ở góc nhìn trực diện hoặc nghiêng, góc chéo khác nhau, mỗi người đều có những hình dung riêng và có thể hoàn toàn khác với ý đồ ban đầu của người họa sĩ: họa sĩ vốn là vẽ một cánh đồng hoa, nhưng người xem có thể nhìn ra là phong cảnh hoàng hôn hoặc con người, chim chóc...

Nói về sự độc đáo, khác biệt này trong tác phẩm của Nguyễn Thu Thủy, họa sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn bình luận: “Ngôn ngữ hội họa Thủy sử dụng có phản chiếu những kinh nghiệm của cô trong những thực hành nghệ thuật trước đó như một nhà thiết kế đồ họa. Từ bảng màu cho đến ngôn ngữ tạo hình cho thấy cảm hứng được khởi phát từ quang phổ của đồ họa máy tính pha trộn với ngôn ngữ phân mảnh của chủ nghĩa lập thể thời kỳ đầu. Chủ đề, và đề tài trong các bức tranh của Thủy có lẽ chỉ là cái cớ để thể hiện “lăng kính nghệ thuật” của cô với thế giới bên ngoài, hay cũng chính là phong cảnh nội giới và thẩm mỹ cá nhân của riêng có của cô, góp thêm một tiếng nói trong sự biểu đạt phong phú của bức tranh hội họa Việt Nam hiện đại”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy bộc bạch: “Nghệ thuật cũng như tình yêu, đều cần phải khoe ra, đem soi nó dưới ánh mặt trời với đủ các cung bậc tự hào, tự ngưỡng. “Lăng kính của Thủy” là sự tôn thờ của chính tôi với chính những tác phẩm mà tôi tạo ra. Qua các tác phẩm của mình, tôi tự họa phần dương tính mạnh mẽ, sự khát khao muốn làm chủ chính mình của người đàn bà. Tôi cũng khắc họa bản ngã đa diện, tìm hiểu, khám phá bản thân ở những lĩnh vực khác nhau để rồi gắng đọng lại thật sâu. Đó cũng là quá trình “tôi đi tìm tôi”, biểu hiện phong cách bản thân bằng thủ pháp nghệ thuật của riêng mình, tạo nên những khối tinh thể pha lê lóng lánh, tạo nên sự biến đổi năng lượng trên một nền vĩnh cửu của nguồn sống. Tôi cố gắng khắc họa thế giới xung quanh một cách lung linh, rực rỡ để lan tỏa năng lượng tích cực, khát khao “sống vui” tới tất cả mọi người…”.

Một số tác phẩm theo phong cách polygon tại triển lãm "Lăng kính của Thủy".

Một số tác phẩm theo phong cách polygon tại triển lãm "Lăng kính của Thủy".

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy sinh năm 1977 trong một gia đình có truyền thống hội họa với 8 họa sĩ bao gồm ông nội, bố, các cô chú và các em. Chị học vẽ từ khi chưa biết chữ, nhưng là học từ gia đình chứ không phải là họa sĩ của trường lớp và từng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua bức “Chú gà trống” từ năm lên 5 tuổi, cứ tưởng rằng Nguyễn Thu Thủy sẽ lựa chọn hội họa như con đường đầu tiên và duy nhất để “vào đời”. Nhưng không, khi lên cấp 2, Thu Thủy được giải thi học sinh giỏi Văn toàn quốc, vào cấp 3 lại tiếp tục học chuyên văn ở Trường Amsterdam, đến đại học thì chọn học chuyên ngành Báo chí rồi lại “bẻ lái” sang Du lịch.

Khi tốt nghiệp, chị được giữ lại làm giảng viên Khoa Du lịch của Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn. Tuy có nhiều “vai” như vậy, nhưng dường như chưa lúc nào Nguyễn Thu Thủy rời xa mỹ thuật. Chị cũng tự nhận mình là người nhiều năng lượng cũng như cảm xúc, ưa khám phá, trải nghiệm, tìm tòi, nên con đường hội họa của Nguyễn Thu Thủy mới “vòng vèo” như thế. Với mỹ thuật, chị dấn thân vào nhiều mảng và mảng nào cũng có thành quả đáng nể từ đồ họa, điêu khắc đến hội họa.

Thu Thủy từng nhiều lần đoạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế logo cùng nhiều giải thưởng khác trong các cuộc thi vẽ tranh cổ động trong nước và quốc tế. Hiện nay, nhiều logo của chị vẽ đang được sử dụng như logo Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân… Thu Thủy cũng từng tham gia hơn 30 triển lãm trong nước và quốc tế và hiện là giảng viên Khoa các Khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khi bắt đầu vẽ lại, Thu Thủy quyết định theo đuổi phong cách polygon bởi hào hứng với sự mới mẻ, biến ảo, đa diện, đa góc nhìn của phong cách này. Chị bắt đầu với việc vẽ chân dung rồi mở rộng đề tài ra với thế giới giản dị, thân thuộc quanh mình như thiên nhiên cây cỏ, núi non, cánh đồng, các con vật… với một lăng kính sinh động, tươi vui, tràn đầy sức sống. Một số tác phẩm theo phong cách này của Nguyễn Thu Thủy đã chuyển sang trừu tượng và bán trừu tượng, cho phép khán giả phát huy trí tưởng tượng tối đa, như chị nói là “Để người xem muốn nghĩ nó là cái gì thì nó sẽ là cái đó. Và như thế, người xem hoàn toàn có thể “tái sáng tạo” lại tác phẩm theo cách của riêng mình!”.

Hiện nay, trên thế giới cũng có không nhiều họa sĩ theo đuổi phong cách polygon và việc họa sĩ Nguyễn Thu Thủy mạnh dạn theo đuổi phong cách này cũng góp phần đem đến sự mới mẻ cho hội họa Việt Nam đương đại. Nói như nhà văn Nguyễn Trương Quý: “Những bức tranh kiểu tinh thể hóa các hình tượng của Thủy là một sự kiên tâm đi tìm kiếm cách thức biểu đạt riêng... Các bức tranh vừa có sự tính toán kỹ lưỡng về phân vị màu và hình, nhưng vẫn chứa đựng một sự bạo dạn đôi khi gần như là “dã thú”, và có sự mới mẻ chứ không nệ vào sự ảnh hưởng từ trường phái truyền thống của hội họa nào. Chúng có “độ tinh khôn” của người sử dụng các phương tiện kỹ thuật số hỗ trợ (như bất kỳ ai của thời hiện đại). Trong một thế giới cần nhiều lăng kính khác nhau để tự nhận diện nó, “lăng kính của Thủy” thực sự đầy ắp tiếng reo vui cho mỗi ngày chúng ta đang sống…”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/bien-ao-cung-lang-kinh-cua-thuy-i670710/