Biến bãi đổ rác thành nơi có thu nhập tiền tỷ mỗi năm
Từ một sân vận động bỏ hoang nhiều năm bị bà con biến thành bãi đổ rác gây ô nhiễm môi trường, ông Mai Thế Lực ở xã Nga Hải (Nga Sơn) đã đấu thầu cải tạo thành mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Với cách làm năng động của mình, ông đã biến nơi đây thành nông trại dưa vàng cho thu nhập tới 1,8 tỷ đồng/ha/năm.
Những lứa dưa vàng quanh năm tại nông trại Dưa vàng Thế Mạnh.
Với diện tích 1 ha dưa vàng, nhiều vụ gần đây gia đình ông Mai Thế Lực đều canh tác 2 vụ dưa mỗi năm, cho doanh thu từ 1,5 đến 1,8 tỷ đồng, thu về lợi nhuận 500 đến 700 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm 1 lứa hoa hoặc cây trồng vụ đông xen canh nhằm tăng thêm thu nhập.
Tại đây, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được chủ mô hình chú trọng để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác. Ngay từ khâu chuẩn bị giá thể trồng dưa đã được lựa chọn kỹ, ủ và trộn thuốc vi sinh để trừ mầm bệnh. Từ phân chuồng hoai mục, phân giun quế, vôi bột, xơ dừa mục, các chất hữu cơ được phối trộn bằng máy trộn bê tông thay thế sức người, trở thành nguồn dinh dưỡng sạch cung cấp cho cây dưa. Những hạt dưa nhập ngoại từ Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ như kim hoàng hậu, kim hồng ngọc, dưa lưới TL 3 được ủ lên mầm, đem trồng trên các bịch giá thể. Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây dưa vàng, hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại được lắp đặt để cung cấp nguồn nước cho cây.
“Hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh qua phần mềm được tôi cài đặt trên điện thoại. Ngồi ở bất cứ đâu cũng có thể vận hành hệ thống tưới chứ không phải ở nhà và mở van thủ công như trước đây. Tùy tình hình thời tiết, có thể cài đặt hệ thống tưới ẩm theo giờ, khoảng thời gian tưới phù hợp. Không những thế, chúng tôi còn hòa phân bón dạng nước để dẫn qua hệ thống tưới này, thay thế các lao động thủ công đến từng gốc dưa trong nhiều ngày”, ông Lực cho biết.
Ông Mai Thế Lực dùng máy trộn bê tông để phối trộn xơ dừa, phân giun quế, các chất hữu cơ hoai mục làm giá thể trồng cây.
Cây trồng trong nhà màng chưa xuất hiện sâu bệnh nên chủ mô hình không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quá trình canh tác đều hướng theo phương thức sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Với uy tín nhiều năm gây dựng được, chủ mô hình đã đăng ký đặt tên cho sản phẩm của mình là “Dưa vàng Thế Mạnh”, có nhãn mác, mã QR truy xuất nguồn gốc và quy trình sản xuất để cạnh tranh trên thị trường. Để có sản phẩm cung ứng cho thị trường liên tục và bền vững, ông chủ mô hình năng động này còn liên kết với các hộ trồng dưa vàng trong huyện thành tổ sản xuất 10 ha.
Điều đáng nói, mô hình nông nghiệp cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm này lại được cải tạo từ một bãi đất hoang hóa, thường bị người dân địa phương đổ rác thải gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Lực, khu nông trại này trước đây là diện tích sân vận động cũ, khi UBND xã xây dựng sân vận động mới gần trụ sở ngày nay thì khu này bỏ hoang. Từ đó, dứa và những cây dại mọc đầy, bà con cũng mang rác ra đổ, tập kết. Rác thải xây dựng, rác thải nông nghiệp chất thành từng đống, thậm chí xác động vật cũng bị vứt bỏ tại đây, gây ô nhiễm vô cùng. Nhiều cử tri bức xúc, kiến nghị liên tục qua các cuộc họp. Đến năm 2017, UBND xã Nga Hải có thông báo kêu gọi đấu thầu khu đất. Khi ấy, nhiều người ái ngại, nhưng ông quyết tâm đấu thầu để cải tạo trước sự phản đối của gia đình, bạn bè.
Ba năm đầu, ông cho cải tạo để trồng thanh long ruột đỏ cho thu hoạch cao hơn nhiều cây trồng ở địa phương. Tuy nhiên, sau khi đi tham quan học tập ở một số nơi, ông lại phá bỏ để rẽ sang hướng phát triển nông nghiệp trong nhà lưới từ năm 2019.
Từ tư duy quyết đoán, dám đổi mới trong sản xuất của ông Mai Thế Lực, cùng những bàn tay cần mẫn của người lao động và các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào canh tác, những trái dưa vàng nặng trĩu vẫn thay nhau gối lứa. Khí hậu, thổ nhưỡng vùng biển Nga Sơn cộng với phương thức canh tác hữu cơ như được tích tụ thành sự ngọt ngào, mùi thơm đặc trưng trong mỗi trái dưa ở đây.
Được coi là một trong những mô hình nhà lưới canh tác nông nghiệp đầu tiên ở huyện Nga Sơn, nông trại “Dưa vàng Thế Mạnh” hiện giải quyết việc làm ổn định cho 4 lao động thường xuyên và 9 lao động thời vụ với thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Tại địa phương, mô hình cũng tạo được sự lan tỏa để nhiều người học tập, thay đổi phương thức sản xuất.