Biển báo đá nhau là do 'cắm trên giấy'?

Nhiều chuyên gia cho biết, biển báo giao thông là mệnh lệnh của Nhà nước, quy định hành vi tham gia giao thông, làm căn cứ để xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng biển báo được cắm mà không khảo sát thực tế hoặc có khảo sát nhưng thiếu kiểm tra, sửa đổi, bổ sung…

Liên quan đến biển báo cấm dừng đỗ và biển báo được phép trông giữ xe được cắm cùng một vị trí tại Hà Nội, chuyên gia giao thông Vũ Ngọc Lăng đánh giá: Cả hai biển báo này đều thuộc công tác quản lý của Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Việc cắm biển bất hợp lý như vậy thể hiện sự thiếu trách nhiệm, không có sự phối hợp giữa các cơ quan. Cán bộ được giao không đi khảo sát hoặc có đi khảo sát nhưng vì một lý do nào đó đã để xảy ra tình trạng biển báo “đá nhau”. “Một địa điểm có biển cấm dừng đỗ ô tô, một biển cho khai thác điểm trông giữ ô tô thì tôi chỉ mới thấy ở Hà Nội”, ông Vũ Ngọc Lăng nói.

Biển báo hạn chế tốc độ bất ngờ xuất hiện và chỉ có hiệu lực trên 200 m. Ảnh: Viết Hà.

Biển báo hạn chế tốc độ bất ngờ xuất hiện và chỉ có hiệu lực trên 200 m. Ảnh: Viết Hà.

Đối với những biển báo giao thông ghi nhiều chữ khiến người tham gia giao thông không kịp đọc, ông Lăng đánh giá, trên các tuyến đường của Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều biển báo loại này và ông đã nhiều lần kiến nghị thay đổi trong quá trình xây dựng quy chuẩn về biển báo giao thông. “Người tham gia giao thông không thể dừng lại để đọc các quy định ghi trên các biển nên biển báo giao thông càng ít chữ càng tốt”, ông Lăng kiến nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông và đô thị cũng đánh giá, trên các tuyến đường hiện nay, việc cắm biển báo giao thông còn nhiều bất cập, gây ra những khó khăn cho người tham gia giao thông. Theo ông Thủy, biển báo giao thông sau khi được cắm, cần có sự duy tu, bảo dưỡng để đáp ứng yêu cầu hướng dẫn cho người tham gia giao thông đi đúng luật. “Theo thời gian, tác động của thời tiết, thiên tai các biển báo giao thông bị ảnh hưởng, cây cối che khuất, bị mờ, xiêu vẹo… Do đó, cần có sự kiểm tra thường xuyên để sửa chữa, điều chỉnh cho phù hợp”, ông Thủy cho hay.

Theo ông Thủy, việc cắm biển báo giao thông đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ và Quy chuẩn quốc gia về Báo hiệu đường bộ QCVN41:2019/BGTVT. Tuy nhiên, biển báo vẫn còn bất cập là do sự thiếu trách nhiệm và trình độ chuyên môn hạn chế của đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này. “Nếu những người có trách nhiệm trong cắm biển báo giao thông đứng về phía người tham gia giao thông thì họ cần nắm vững các quy định và khảo sát, nghiên cứu kỹ địa điểm cần cắm”, ông Thủy nói.

Viết Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bien-bao-da-nhau-la-do-cam-tren-giay-post1666906.tpo