Biến chứng nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ, không phải ai cũng biết
Các chuyên cảnh báo các nước không nên chủ quan coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ và cần phải ngăn chặn căn bệnh này bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ
Theo Bộ Y tế, biểu hiện triệu chứng của đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy từng giai đoạn bệnh. Các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, nhưng hay gặp tổn thương da toàn thân và hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.
Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết.
Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong từ 0-11%.
Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Không nên chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ
Từ 1/1 đến ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.
Ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất, coi bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp mà cộng đồng quốc tế cần quan tâm.
Theo bà Madad cho biết, dù nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, nhưng virus đang bắt đầu lây lan ra cộng đồng rộng lớn hơn.
“Ví dụ, ở Mỹ, hai trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ do lây từ người sống cùng nhà bị mắc bệnh từ trước đó. Chúng tôi biết những trường hợp như vậy có thể đã bắt đầu gia tăng và sẽ xuất hiện nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng”, bà Madad nhận định.
Theo số liệu của WHO, cho tới nay đã có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 75 quốc gia và số ca nhiễm đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.
“Đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng và lây lan tới những quốc gia chưa từng ghi nhận loại virus này trước đây và đó là điều đáng lo ngại”, bà Poonam Khetrapal Singh Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á cho biết.
Bà Khetrapal Singh cho rằng, mặc dù nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở mức mức độ trung bình, nhưng khả năng lan rộng ra toàn cầu là có thật, bởi thế giới vẫn còn nhiều điều chưa biết về loại virus này.
“Chúng ta cần cảnh giác và chuẩn bị triển khai các biện pháp ứng phó mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan rộng rãi của bệnh đậu mùa khỉ”, bà Khetrapal Singh nhấn mạnh.
Mới đây, tại cuộc họp báo ngày 24/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Ghebreyesus cho biết, các thành viên của một ủy ban chuyên gia đã họp vào ngày 21/7 để thảo luận về khả năng công bố tình trạng y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, có sự chia rẽ trong việc đưa ra quyết định với 9 thành viên phản đối và 6 người khác ủng hộ, điều này buộc ông phải đứng ra công bố, phá vỡ thế bế tắc. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có hành động như vậy.
Trường hợp tuyên bố hiếm gặp này cho thấy WHO hiện coi đợt bùng phát hiện nay là một mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe toàn cầu và cần có một phản ứng quốc tế phối hợp nhằm ngăn chặn virus bùng phát thành đại dịch.
Mặc dù tuyên bố của WHO không đặt ra các yêu cầu đối với chính phủ các nước, nhưng nó đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động khẩn cấp.
Trúc Chi (t/h theo VOV, VTC News, Vietnamnet)