Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động của đa số doanh nghiệp
Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo gần đây của ngân hàng Morgan Stanley ghi nhận, các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong năm qua. Tình trạng này làm tăng chi phí, gián đoạn công việc của người lao động và mất doanh thu.

Các xe tải đầu kéo hư hỏng nặng do lũ lụt trong cơn bão Helene ở Asheville, bang Bắc Carolina, Mỹ hồi năm ngoái. Ảnh: Getty Images
Báo cáo khảo sát của Viện đầu tư bền vững thuộc ngân hàng Morgan Stanley ghi nhận, phần lớn doanh nghiệp trên toàn cầu vẫn tiếp tục coi tính bền vững là động lực giá trị tiềm năng. Cuộc khảo sát cho thấy, tác động tài chính từ biến đổi khí hậu ngày càng tăng là lý do thúc đẩy một số doanh tiếp tục theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải và thích nghi với một thế giới ngày càng nóng lên trong trong bối cảnh bất ổn chính trị.
Cuộc khảo sát đã thăm dò ý kiến của hơn 300 công ty tư nhân và công ty đại chúng trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Tư năm nay.
Khi được hỏi tính bền vững ảnh hưởng đến chiến lược doanh nghiệp trong dài hạn như thế nào, 88% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết điều này chủ yếu hoặc một phần mang lại cơ hội tạo ra giá trị, tăng ba điểm phần trăm với năm trước.
Hầu hết doanh nghiệp (83%) cũng cho biết, có thể định lượng được lợi nhuận từ các khoản đầu tư liên quan đến tính bền vững, bao gồm cả các dự án mới và các hoạt động giảm thiểu rủi ro khí hậu.
“Dữ liệu cho thấy tính bền vững vẫn là yếu tố cốt lõi trong việc tạo ra giá trị dài hạn. Các công ty trên toàn cầu cho biết đang điều chỉnh chiến lược doanh nghiệp với các ưu tiên bền vững để xây dựng những mảng kinh doanh có khả năng phục hồi, sẵn sàng cho tương lai”, Jessica Alsford, Giám đốc Phát triển bền vững kiêm Chủ tịch Viện Đầu tư bền vững Morgan Stanley nói.
Hơn một nửa số số doanh nghiệp trả lời khảo sát ghi nhận, trong năm qua, các sự kiện thời tiết liên quan đến biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, các công ty ở khu vực APAC nêu tỷ lệ cao nhất (73%). Nhiệt độ cực cao, thời tiết khắc nghiệt và bão là những vấn đề phổ biến.
Những sự kiện này thường dẫn đến tăng chi phí, làm gián đoạn công việc của người lao động và mất doanh thu. Nhìn về năm năm tới, hơn 2/3 số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, các rủi ro khí hậu sẽ gây tác động tiêu cực hơn nữa.
Theo báo cáo, nhiệt độ và bão khắc nghiệt là những nguyên nhân gây gián đoạn hoạt động hàng đầu, tiếp theo là cháy rừng và khói mù, tình trạng thiếu nước, lũ lụt hoặc mực nước biển dâng cao.
Chỉ riêng Mỹ đã chi gần 1 nghìn tỉ đô la cho hoạt động phục hồi sau thảm họa và các nhu cầu liên quan đến khí hậu khác trong năm qua, theo một phân tích gần đây của Bloomberg Intelligence.
Dữ liệu do Cục Thống kê Dân số Mỹ thu thập cho thấy những tác động này diễn ra như thế nào tại địa phương. Ví dụ, gần 2/3 số doanh nghiệp trong khu vực đô thị Tampa, bang Flodria báo cáo bị thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt sau mùa bão năm ngoái.
Những tác động này không chỉ giới hạn ở các công ty hoạt động tại Mỹ. Các vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Canada trong năm nay đã làm tê liệt hoạt động của các dự án khai thác cát dầu ở tỉnh Alberta. Nhiệt độ cực cao đang buộc các công ty khai khoáng của Úc phải điều chỉnh lịch trình hoạt động
Theo báo cáo, mức đầu tư cao và những bất ổn về chính trị và kinh tế vĩ mô được doanh nghiệp xếp hạng là những rào cản hàng đầu đối với việc triển khai các chiến lược phát triển bền vững.
Chẳng hạn tại Bắc Mỹ, các doanh nghiệp xem sự biến động chính trị là rào cản hàng đầu đối với việc đầu tư vào bền vững. Sự chống đối chính sách đầu tư theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ở Mỹ, đặc biệt là từ đàng Cộng hòa, khiến 21% doanh nghiệp ở Bắc Mỹ báo cáo rằng, sự thù địch chính trị là rào cản hàng đầu đối với quá trình chuyển đổi khí hậu.
Để ứng phó, một số công ty đã áp dụng cách tiếp cận “greenhushing” (im lặng xanh), ám chỉ đến các nỗ lực âm thầm để đạt được các mục tiêu về khí hậu mà không quảng cáo rầm rộ. Trong khi nhiều công ty khác đã lùi bước hoặc từ bỏ mục tiêu giảm phát thải.
Theo Bloomberg