Nâng tầm sản phẩm yến sào Gia Lai
Với điều kiện khí hậu mát mẻ, nguồn thức ăn dồi dào, khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai đang trở thành một trong những vùng trọng điểm phát triển nghề nuôi yến. Để yến sào Gia Lai vươn xa, các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu.
Tận dụng lợi thế khí hậu và hệ sinh thái phong phú của vùng đất cao nguyên, nhiều năm nay, nghề nuôi yến trên địa bàn Gia Lai (cũ) phát triển khá mạnh, nhất là tại các địa phương như Pleiku, Chư Sê, Đức Cơ, Ayun Pa...
Trong đó, Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân Cao Nguyên (số 161 Lê Duẩn, phường Hội Phú) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chế biến và thương mại hóa các sản phẩm yến sào.

Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân Cao Nguyên có khoảng 20 dòng sản phẩm yến sào. Ảnh: H.T
Bà Đoàn Thị Thanh Hương - đại diện Công ty - cho biết: “Từ năm 2022, Công ty đã xây dựng 5 nhà yến. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, chúng tôi cũng liên kết với 12 hộ nuôi yến trên địa bàn. Hiện tại, Công ty có khoảng 20 dòng sản phẩm như yến thô, yến tinh chế, yến hũ... Trong đó, 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao”.
Nhờ chú trọng chất lượng, xây dựng thương hiệu bài bản, sản phẩm yến sào của Công ty đã được người tiêu dùng tin tưởng và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Bà Hương cho rằng: Việc đạt chứng nhận OCOP là bước ngoặt quan trọng trong hành trình nâng tầm thương hiệu, tạo lòng tin nơi người tiêu dùng, đồng thời mở rộng cơ hội phát triển bền vững trong ngành yến. Công ty đang hoàn thiện hồ sơ để nâng cấp sản phẩm yến thô, tinh chế lên OCOP 4 sao và xây dựng chứng nhận OCOP cho 10 sản phẩm yến hũ còn lại.

Bà Đoàn Thị Thanh Hương (bìa trái) - đại diện Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân cao nguyên giới thiệu về các sản phẩm. Ảnh: H.T
“Tôi mong rằng các sở, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình kết nối, giúp Công ty cũng như các hộ nuôi yến có cơ hội quảng bá sản phẩm, tiếp cận rộng rãi với khách hàng, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, có các quy chuẩn trong đánh giá, công bố chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin cho khách hàng”.
Bà ĐOÀN THỊ THANH HƯƠNG - đại diện Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân Cao Nguyên
Còn chị Nguyễn Thị Nguyên (ở tổ 4, xã Đức Cơ) cũng là người tiên phong trong nghề nuôi yến trên vùng biên giới. Bắt đầu từ năm 2017 với vài nhà yến nhỏ, đến nay, chị đã phát triển thành hệ thống 5 nhà yến, sản lượng mỗi năm đạt trên 1 tạ yến thô. Chị còn đầu tư chế biến sâu yến tinh chế, dán nhãn truy xuất nguồn gốc với thương hiệu “Yến sào Nguyên Việt”.
Năm 2023, gia đình chị Nguyên có 2 dòng sản phẩm yến thô và yến tinh chế đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Chị cũng sử dụng tem truy xuất nguồn gốc để tăng độ tin cậy cho sản phẩm.
Nhờ vậy, sản phẩm được thị trường đón nhận tích cực, giá bán dao động từ 10 đến 18 triệu đồng/kg đối với yến thô và 2,5 - 3,5 triệu đồng/kg đối với yến tinh chế. Mỗi năm, doanh thu của gia đình chị đạt gần 2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, chị thu về hơn 600 triệu đồng.

Sau khi đạt chứng nhận OCOP, chị Yến tự tin hơn khi giới thiệu sản phẩm của gia đình. Ảnh: H.T
Tương tự, sau gần 7 năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, đến nay, gia đình chị Nguyễn Hải Yến (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Dơk) đã có 2 nhà nuôi yến. Mỗi năm, chị thu hơn 50 kg sản phẩm.
Chị cho biết: “Hiện tôi cung cấp ra thị trường 2 dòng sản phẩm gồm yến thô và yến tinh chế. Đặc biệt, năm 2024, sản phẩm yến thô của gia đình đã được chứng nhận OCOP 3 sao và được tham gia nhiều chương trình kết nối cung cầu do các sở, ngành, địa phương tổ chức. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Mỗi năm, gia đình tôi lãi gần 500 triệu đồng”.
Không còn là hoạt động sản xuất đơn lẻ, những người nuôi yến ở Gia Lai đã hình thành tổ chức hội để liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau. Điển hình là Hội Yến sào huyện Chư Sê - nơi có hơn 266 nhà yến với 257 hộ dân tham gia.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Yến sào huyện Chư Sê: Hiện trên địa bàn có 10 sản phẩm yến được công nhận đạt chuẩn OCOP (gồm 9 sản phẩm OCOP 3 sao và 1 sản phẩm OCOP 4 sao).
Ông Dũng bắt đầu nuôi yến từ năm 2014 với 7 nhà yến, mỗi năm thu khoảng 4 tạ yến. Thời gian gần đây, giá yến trên thị trường có xu hướng giảm do cạnh tranh với các sản phẩm yến nhập lậu qua đường tiểu ngạch từ Indonesia và Malaysia.
“Trước đây, giá yến dao động 19 - 23 triệu đồng/kg thô thì hiện nay chỉ còn khoảng 8 - 13 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng lớn đến thu nhập và tâm lý của người nuôi” - ông Dũng cho biết.
Mặc dù Hội Yến sào huyện Chư Sê đã giải thể để phù hợp với địa giới hành chính mới sau sáp nhập, song các hội viên vẫn duy trì kết nối và đang xúc tiến thành lập lại Hội Yến sào xã Chư Sê.
Ông Dũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm OCOP, nâng tầm thương hiệu riêng, nhất là hỗ trợ tiếp cận thị trường xuất khẩu-hướng đi tất yếu trong bối cảnh sản lượng tăng nhưng đầu ra trong nước bị thu hẹp.

Một nhà yến mới được xây dựng ở xã AI Bá. Ảnh: Q.T
Tương tự, chị Nguyễn Thị Nguyên cũng bày tỏ nỗi lo khi trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm yến giả, kém chất lượng. “Tôi mong ngành chức năng sớm ban hành bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá và công bố chất lượng sản phẩm yến. Điều đó không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn giúp bảo vệ uy tín cho những người sản xuất thật, làm ăn nghiêm túc như chúng tôi” - chị Nguyên đề nghị.
Tỉnh Gia Lai (cũ) có 1.451 nhà nuôi chim yến với sản lượng khoảng 7.000 kg/năm. Đây là một nghề quan trọng, cho ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi, tạo ra các giá trị, chuỗi giá trị mới, góp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe người dân, xây dựng nông thôn mới.

Yến sào Gia Lai ngày càng khẳng định thương hiệu và thị trường tiêu thụ được mở rộng nhờ Chương trình OCOP. Ảnh: Q.T
Nhằm mở rộng loại sản phẩm tổ yến xuất khẩu, ngày 15-4-2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với nhập khẩu tổ yến thô và tổ yến sạch từ Việt Nam sang Trung Quốc (thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022).
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai - cho biết: Để nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, cần phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.
Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất và thiết kế bao bì, nhãn mác bắt mắt. Tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP qua các hội chợ, triển lãm thương mại, trên các kênh truyền thông và kết nối với các nhà cung cấp, khách hàng lớn…
“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong các chương trình OCOP, chương trình đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại... Đồng thời, hỗ trợ kết nối các chủ thể sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm từ yến, tạo ra chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm OCOP”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai ĐOÀN NGỌC CÓ


Kết nối thị trường, mở rộng kênh tiêu thụ
25/06/2025 22:59


Hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2025
22/06/2025 13:16


Yến Nhà Hồng
01/06/2025 22:25
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nang-tam-san-pham-yen-sao-gia-lai-post560066.html