Biến đổi khí hậu đang tác động lên bàn ăn của mỗi gia đình
Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu và đặc biệt là nhiệt độ tăng cao có thể khiến giá lương thực tăng 3,2% mỗi năm.
Khi biến đổi khí hậu tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, tình trạng lạm phát giá cả lương thực sẽ leo thang, đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người trên thế giới không thể duy trì chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh, hoặc tệ hơn là không có đủ thực phẩm.
Phân tích mới cho thấy sự nóng lên toàn cầu có thể khiến lạm phát giá lương thực tăng từ 0,9 đến 3,2% mỗi năm vào năm 2035. Sự nóng lên cũng sẽ khiến lạm phát chung tăng thêm (từ 0,3 đến 1,2%). Do đó, các gia đình sẽ phải chi tỷ lệ lớn hơn trong thu nhập cho việc mua đồ ăn.
Hiệu ứng này sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới, ở cả các quốc gia có thu nhập cao lẫn thấp, nhưng các nước ở nam bán cầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Cũng như nhiều hậu quả khác của biến đổi khí hậu, châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất mặc dù người dân lục địa này chỉ góp rất ít vào nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên.
Nghiên cứu của nhóm Jessica Boxall - Nghiên cứu viên Dinh dưỡng & Sức khỏe Cộng đồng, Đại học Southampton và Michael Head - Nghiên cứu viên Cao cấp về Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Southampton, về an ninh lương thực ở Ghana và Tây Phi, giúp chúng ta hiểu được lạm phát giá cả có thể có ý nghĩa gì trong thực tế.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu mô tả Tây Phi là một "điểm nóng" về biến đổi khí hậu, với các dự đoán đều tin rằng nơi đây sẽ chịu nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm. Với hơn một nửa dân số phụ thuộc trực tiếp vào nông nghiệp dựa vào nước mưa, Ghana đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Gần đây nhóm Jessica Boxall đã thực hiện một nghiên cứu ở Mion, một huyện nông thôn ở phía bắc Ghana. Họ đã nói chuyện với gần 400 người và tất cả cho biết vừa trải qua cảnh thiếu ăn (hay nói một cách trang trọng là mất an ninh lương thực) trong vòng 12 tháng trước đó. Khoảng 99% cho rằng biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân.
Ngoài ra, 62% trải qua cảnh mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng, với 26% bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng (không có gì ăn cả ngày). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trên toàn quốc của Ghana (lần lượt là 39% và 6%), nhưng tương tự như một số quốc gia nghèo nhất ở Tây Phi như Togo, Burkina Faso và Benin.
Nhóm Jessica Boxall cũng thực hiện một nghiên cứu tương tự với những người tị nạn từ nước láng giềng Burkina Faso chạy trốn qua biên giới đến khu vực phía đông Ghana. Một lần nữa, 100% đều từng trải qua tình trạng mất an ninh lương thực.
Mion không bị nạn đói đột ngột và cũng không có biến cố đặc biệt nào gây ra tình trạng mất an ninh lương thực này. Tình trạng này dần được coi là “chuyện thường ở huyện” do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Lạm phát lương thực liên quan đến khí hậu có thể được chia thành hai vấn đề liên kết với nhau.
Phần đầu tiên của vấn đề là những tác động tích tụ của biến đổi khí hậu gây ra lạm phát đã khiến việc mua lương thực trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, nhiệt độ cao hơn có thể khiến thời điểm mùa màng đảo lộn và dẫn đến việc sản xuất bị thất thu.
Những hậu quả khác có thể gồm bùng phát dịch bệnh và sâu bệnh nhiều hơn làm cạn kiệt nguồn dự trữ con giống, hạt giống, đồng thời nắng nóng làm hạ tầng vốn xuống cấp lại càng xuống cấp, khiến việc tiếp cận giao thông tới nông thôn trở nên khó khăn hơn.
Tất cả những yếu tố này đẩy giá lương thực lên cao và làm giảm sức mua của các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Các nguyên nhân gây ra lạm phát lương thực đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.
Phần thứ hai của vấn đề này là sự gia tăng lạm phát. Mức trượt giá 3% hằng năm có nghĩa là các hộ gia đình ít có khả năng mua những thứ họ cần.
Họ có thể sẽ bớt đòi hỏi về chất lượng hoặc thậm chí có thể là từ bỏ những thực phẩm đắt đỏ. Điều này lại khiến con người dễ mắc bệnh tật và các vấn đề sức khỏe khác. Suy dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm miễn dịch trên toàn cầu.
Ở Ghana, nhóm Jessica Boxall phát hiện ra rằng những người có ý thức về biến đổi khí hậu có nhiều khả năng được đảm bảo an ninh lương thực hơn. Đây là bằng chứng cho thấy những người dân nhận thức về sự thay đổi nhiệt độ và tính khó dự đoán của khí hậu, đã ít nhiều tham gia chủ động vào các biện pháp giảm thiểu. Nhờ vậy, họ đỡ bị gánh chịu hậu quả hơn.
Trong khi đó, những người không được tiếp cận giáo dục, thiếu kiến thức thường phải bám vào các công việc nhạy cảm với khí hậu như trồng trọt, sẽ dễ bị ảnh hưởng ngay lập tức hơn. Do đó, hướng dẫn mọi người đối phó với biến đổi khí hậu có thể giúp họ thích ứng với nó tốt hơn và từ đó tăng cường an ninh lương thực.
Biến đổi khí hậu chính là hệ số nhân lên nguy cơ đói đối với những nhóm dân cư vốn dễ bị tổn thương. Do đó, 134 quốc gia tại COP28 đã ký tuyên bố kết hợp hệ thống lương thực vào hành động vì khí hậu của họ để đảm bảo mọi người đều có đủ lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Do vậy, việc giảm phát thải khí nhà kính có thể hạn chế mọi tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, việc đa dạng hóa nền kinh tế sẽ đóng vai trò bảo vệ cho những cộng đồng phụ thuộc vào nông nghiệp để đảm bảo cả an ninh lương thực và thu nhập.