Biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa hiện hữu với con người

Các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đáng báo động do các hoạt động xâm hại thiên nhiên của con người. Nếu không kịp thời ngăn chặn, biến đổi khí hậu sẽ đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với sự sống trên Trái đất.

Cháy rừng ở Hawaii, Mỹ, do nắng nóng bất thường trong năm 2023

Cháy rừng ở Hawaii, Mỹ, do nắng nóng bất thường trong năm 2023

Nhiều dấu hiệu quan trọng của hành tinh ở mức cực đoan

Qua phân tích dữ liệu gần đây về 35 dấu hiệu quan trọng của hành tinh, các nhà khoa học phát hiện trong số này có 20 dấu hiệu trong năm 2023 đều ở mức cực đoan chưa từng thấy. Nhiều kỷ lục khí hậu trong năm có biên độ chênh lệch lớn so với các mốc kỷ lục từng ghi nhận trước đây,

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận trên hành tinh, khi nhiệt độ trung bình trong năm đã phá vỡ mọi kỷ lục và vượt mức thời kỳ tiền công nghiệp tới 1,45 độ C. Trên dãy núi Alps, mùa trượt tuyết nhưng lại không có tuyết; sông băng vĩnh cửu tan chảy; nắng nóng giữa mùa đông; hạn hán chưa từng có và lũ lụt thường xuyên và dữ dội hơn… Tất cả đều là những hệ quả trực tiếp từ khí hậu nóng lên mà nguyên nhân là do phát thải khí nhà kính tăng, hiện tượng khí hậu El Nino bắt đầu vào mùa xuân năm 2023 và vụ phun trào núi lửa Tonga ở Thái Bình Dương từ đầu năm 2022 đến nay tạo ra hiệu ứng nhà kính.

Trong khi đó, các đại dương cũng đang nóng lên đến mức kỷ lục và không có dấu hiệu dừng lại. Nhiệt độ bề mặt đại dương tăng bắt đầu từ tháng 3 và sau đó tăng vọt đạt mức kỷ lục vào tháng 4, khiến các nhà khoa học phải đau đầu tìm nguyên nhân. Tình trạng đại dương ấm lên gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như hiện tượng tẩy trắng san hô, sinh vật biển chết dần và mực nước biển dâng cao.

Nắng nóng bất thường ngoài tầm dự báo và kiểm soát của con người đã dẫn tới những vụ cháy rừng hoành hành từ Mỹ, Canada ở khu vực Bắc Mỹ; Hy Lạp, Tây Ban Nha ở châu Âu; Tunisia ở Bắc Phi đến Australia ở châu Ðại dương. Trong năm 2023, các vụ cháy rừng đã phá hủy gần 400 triệu ha đất rừng trên toàn cầu, gây thương vong nhiều nhất tính từ đầu thế kỷ XXI với 250 người chết và tạo ra 6,5 tỷ tấn khí thải CO2. Trong số những vụ cháy rừng gây thương vong lớn phải kể đến đợt cháy rừng tại Hawaii (Mỹ) tháng 8-2023 làm 97 người chết và 31 người mất tích. Canada cũng trải qua một năm tồi tệ với 6.400 vụ cháy rừng lớn nhỏ, khiến hơn 200.000 người phải sơ tán, 18 triệu ha đất rừng bị thiêu rụi.

Do nhiệt độ mặt nước biển và không khí tăng cao, cường độ của các cơn gió mùa, lốc xoáy và các cơn bão bị đẩy lên cao. Trong năm 2023, thế giới đã chứng kiến các cơn lốc xoáy diễn biến theo những cách bất ngờ và gây thương vong lớn. Cơn bão tồn tại lâu nhất từng được ghi nhận đã tàn phá khu vực phía Đông Nam châu Phi trong nhiều tuần. Thế giới cũng chưa thể quên những thảm họa kỷ lục trong lịch sử, trong đó gần đây nhất là lũ lụt ở Libya gây ra bởi cơn bão Daniel khiến hơn 10.000 người chết vào năm 2023. Hậu quả đợt lũ lụt vẫn còn hằn sâu trên khuôn mặt của hàng triệu người dân Libya và sẽ còn ảnh hưởng các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cũng như cuộc sống của người dân quốc gia Bắc Phi này trong nhiều năm tới. Cùng với các đợt mưa lớn gia tăng cường độ, các đợt hạn hán cũng đang trở nên thường xuyên hơn và diễn tiến nhanh hơn, dẫn tới mất mùa và các thảm họa cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng.

Một tín hiệu đáng ngại khác là băng biển ở Nam cực đang giảm xuống mức thấp kỷ lục so với cùng thời điểm của các năm trước. Khi Nam cực bước vào mùa đông, băng biển bắt đầu hình thành trở lại. Tuy nhiên, trong năm 2023, vào cuối tháng 2, băng biển ở Nam cực đạt mức thấp nhất kể từ khi ghi dữ liệu này vào đầu vào những năm 1970, chỉ còn 1,7 triệu km2. Băng biển suy giảm cũng gây ra tác hại nghiêm trọng đối với các loài động vật ở đây, trong đó có chim cánh cụt sống dựa vào băng biển để kiếm ăn và ấp trứng.

Tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức nghiêm trọng, đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với sự sống trên Trái đất. Trong hai thập kỷ qua, 1,2 tỷ người trên thế giới đã phải chịu thiệt hại liên quan đến khí hậu. Theo hãng tin Belga của Bỉ, các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây thiệt hại trung bình cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm là 143 tỷ USD. Đây chưa phải là mức đánh giá đầy đủ vì hầu như không có dữ liệu về tổn thất liên quan đến thảm họa thiên tai ở các nước nghèo. Con số này cũng không tính đến tổn thất bổ sung do sản lượng giảm và mực nước biển dâng cao.

Còn theo một dự báo mà các nhà khoa học đưa ra từ năm 2021, sản lượng nông nghiệp có thể giảm 30% vào năm 2050, trong khi lượng lương thực cần thiết cho dân số đang phát triển sẽ tăng 50%. Dữ liệu từ hệ thống phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc cho thấy trong năm 2022, 57 triệu người tại 12 quốc gia đã lâm vào tình trạng khủng hoảng vì mất an ninh lương thực nghiêm trọng do các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong số đó một nửa là trẻ em.

Nhìn về tương lai, các nhà khoa học dự báo đến năm 2030, hơn 400 triệu người sẽ “không thể làm việc ngoài trời” và khoảng 10 triệu trường hợp tử vong được dự đoán do “căng thẳng về nhiệt độ”. Vào năm 2040, gần 700 triệu người mỗi năm có thể sẽ phải hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài ít nhất 6 tháng và đến năm 2050, hơn 70% người dân ở mọi khu vực trên thế giới có thể sẽ trải qua những đợt nắng nóng.

Trước những thách thức trên, điều quan trọng là phải cắt giảm và tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nguồn gốc chính gây ra hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng lên. Để có thể được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm giữ cho Trái đất không nóng lên thêm 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp thì từ nay đến năm 2030, thế giới cần giảm 75% lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, đến nay đã có 130 quốc gia ký kết cam kết về phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng. Ngoài ra, khoảng 50 công ty dầu khí chiếm 40% sản lượng toàn cầu đã ký một thỏa thuận không ràng buộc về không phát thải khí methane và hạn chế đốt dầu trong sản xuất.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28) diễn ra vào cuối năm ngoái, 200 quốc gia tham gia đã ký thỏa thuận lịch sử, lần đầu tiên kêu gọi “từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý… nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. Các nước cũng đã đạt được thỏa thuận việc vận hành Quỹ tổn thất và thiệt hại để giải quyết những thiệt hại không thể khắc phục được bởi hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, với cam kết tổng cộng hơn 700 triệu USD cho Quỹ. Liên quan đến Quỹ khí hậu xanh để các quốc gia phát triển cùng chung tay giúp đỡ các nước nghèo xây dựng môi trường sống xanh sạch và chống lại biến đổi khí hậu, tại COP28 đã có 31 quốc gia đóng góp 12,8 tỷ USD và dự kiến vẫn còn những đóng góp mới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bien-doi-khi-hau-dat-ra-moi-de-doa-hien-huu-voi-con-nguoi-post565088.antd