Biến đổi khí hậu làm tăng gấp đôi nguy cơ bão lũ tại Trung Âu
Biến đổi khí hậu mà cụ thể là tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các đất nước tại Trung Âu ngày càng phải đối diện với nhiều trận mưa lớn và lũ lụt tàn khốc hơn.
Một báo cáo mới từ World Weather Attribution cho biết, hiện tượng biến đổi khí hậu đang khiến các đất nước tại Trung Âu ngày càng phải đối diện với nhiều trận mưa lớn và lũ lụt tàn khốc hơn.
Cụ thể, theo tính toán của World Weather Attribution, một cơn bão lớn như Boris sẽ xảy ra trung bình mỗi 100-300 năm một lần, trong điều kiện khí hậu tăng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nếu mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp đạt 2 độ C (dự kiến vào năm 2050), những cơn bão như vậy xảy ra với tần suất cao gấp đôi so với hiện tại; kèm theo đó là lượng mưa gia tăng tới hơn 7%.
Báo cáo được đưa ra sau khi nhiều quốc gia Trung Âu vừa phải trải qua một trong những đợt lũ lụt tồi tệ nhất lịch sử. Thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 24 người, đồng thời khiến nhiều thị trấn, làng mạc, công trình chìm trong biển nước.
Theo thống kê từ Reuters, thiệt hại của đợt lũ lụt lần này dự kiến lên đến hàng tỷ đô la. Bên cạnh đó, sau bốn ngày chịu ảnh hưởng từ bão Boris, Trung Âu còn ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong lịch sử.
Khẳng định, đợt lũ lụt nghiêm trọng vừa qua một lần nữa cho thấy hậu quả tàn khốc của tình trạng nóng lên toàn cầu, nhóm nghiên cứu từ World Weather Attribution kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần khẩn trương hành động; trong đó đặt trọng tâm trong việc hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Joyce Kimutai, một nhà nghiên cứu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London và là đồng tác giả của nghiên cứu khẳng định: "Cho đến khi dầu mỏ, khí đốt và than đá được thay thế bằng năng lượng tái tạo, những cơn bão như Boris sẽ tiếp tục xuất hiện và gây ra lũ lụt tàn phá nền kinh tế".