Biến đổi khí hậu - mối đe dọa cấp bách

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa diễn ra, các nhà lãnh đạo từ châu Á - Thái Bình Dương đã nhắc đến một thực tế đáng lo ngại rằng, biến đổi khí hậu là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với mọi người trên hành tinh, các quốc gia và người dân của họ có thể sẽ phải hứng chịu nhiều nhất.

Các quốc đảo Thái Bình Dương có nguy cơ ngập nặng

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo, trong 30 năm tới, nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương có thể đối mặt tình trạng ngập lụt do mực nước biển tăng ít nhất 15cm, bất chấp các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo những kịch bản phát thải khác nhau, các nhà nghiên cứu dự báo mực nước biển sẽ dâng cao ở Tuvalu, Kiribati, Fiji và Nauru, trong đó một số quốc gia có thể trải qua ngập lụt cục bộ vài lần trong năm. Những quốc gia còn lại có thể bị ngập lụt trong gần nửa năm.

Tuvalu - với độ cao trung bình chỉ khoảng 2m trên mực nước biển, đang đứng trước nguy cơ lớn nhất, khi phần lớn diện tích quốc đảo này có thể bị ngập nước. Hiện phần lớn diện tích của 2 trong số 9 hòn đảo thuộc Tuvalu đã "biến mất".

Mực nước biển dâng kéo theo rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống, xã hội và kinh tế của các đảo quốc ven biển Thái Bình Dương. Ảnh: Reteurs.

Mực nước biển dâng kéo theo rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống, xã hội và kinh tế của các đảo quốc ven biển Thái Bình Dương. Ảnh: Reteurs.

Ngay cả trong kịch bản tốt nhất, nếu nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng tối đa 1,5 độ C, mực nước biển vẫn sẽ tăng 23cm vào năm 2054. Theo những diễn biến hiện nay, Tuvalu có thể chứng kiến mực nước biển tăng tới 27cm, thậm chí có thể lên đến 30cm trong kịch bản tồi tệ nhất.

Với gần 1 tỷ người sống ở những khu vực ven biển thấp của thế giới, tình hình càng trở nên đáng lo ngại khi biến đổi khí hậu tiếp tục đe dọa nền kinh tế và sự tồn tại của nhiều quốc gia. Các chuyên gia cảnh báo, đây có thể là "thời khắc quyết định" cho các quốc gia Thái Bình Dương trong việc ứng phó với thách thức này.

Nguy cơ bão lũ tại Trung Âu tăng gấp đôi

Biến đổi khí hậu mà cụ thể là tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các đất nước tại Trung Âu ngày càng phải đối diện với nhiều trận mưa lớn và lũ lụt tàn khốc hơn. Cụ thể, trong điều kiện khí hậu tăng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, một cơn bão lớn như Boris sẽ xảy ra trung bình mỗi 100 năm - 300 năm một lần. Tuy nhiên, nếu mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp đạt 2 độ C, dự kiến xảy ra vào năm 2050, những cơn bão như vậy xảy ra với tần suất cao gấp đôi so với hiện tại; kèm theo đó là lượng mưa gia tăng tới hơn 7%.

Báo cáo được đưa ra sau khi nhiều quốc gia Trung Âu vừa phải trải qua một trong những đợt lũ lụt tồi tệ nhất lịch sử. Thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 24 người, đồng thời nhấn chìm nhiều thị trấn, làng mạc, công trình trong biển nước.

Thiệt hại của đợt lũ lụt lần này dự kiến lên đến hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, sau 4 ngày chịu ảnh hưởng từ bão Boris, Trung Âu còn ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong lịch sử.

Nhiều quốc gia Trung Âu bị ảnh hưởng do mưa lũ nghiêm trọng. Ảnh: Reteurs.

Nhiều quốc gia Trung Âu bị ảnh hưởng do mưa lũ nghiêm trọng. Ảnh: Reteurs.

Khẳng định đợt lũ lụt nghiêm trọng vừa qua một lần nữa cho thấy hậu quả tàn khốc của tình trạng nóng lên toàn cầu, nhóm nghiên cứu từ World Weather Attribution kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần khẩn trương hành động; trong đó đặt trọng tâm là hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bà Joyce Kimutai, một nhà nghiên cứu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London và là đồng tác giả của nghiên cứu khẳng định: "Một lần nữa, những trận lũ này làm nổi bật hậu quả tàn khốc của hiện tượng nóng lên toàn cầu do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cho đến khi dầu mỏ, khí đốt và than đá được thay thế bằng năng lượng tái tạo, những cơn bão như Boris dự báo sẽ gây ra lượng mưa lớn hơn, dẫn đến lũ lụt có nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế."

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù các yếu tố thời tiết gây ra cơn bão - bao gồm không khí lạnh từ dãy Alps và không khí ấm từ Địa Trung Hải và Biển Đen là bất thường, nhưng biến đổi khí hậu đã làm cho những cơn bão này trở nên dữ dội hơn và có khả năng xảy ra thường xuyên hơn.

Theo dự báo, với nhiệt độ tăng thêm 1,3 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, một cơn bão tương tự bão Boris có thể xảy ra trung bình khoảng 100 - 300 năm một lần. Tuy nhiên, nếu mức tăng là 2 độ C, điều này có thể dẫn đến lượng mưa tăng ít nhất 5% và tần suất xảy ra cao hơn khoảng 50% so với hiện tại, dự kiến sẽ xảy ra vào những năm 2050.

Bão Boris đã làm ít nhất 17 người chết và hàng nghìn người phải sơ tán. Ảnh: Anadolu.

Bão Boris đã làm ít nhất 17 người chết và hàng nghìn người phải sơ tán. Ảnh: Anadolu.

Chất lượng rượu vang giảm do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang tác động đến ngành nông nghiệp tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các khu vực trồng nho và ngành công nghiệp sản xuất rượu tại châu Âu. Mùa thu hoạch nho để làm rượu vang đã diễn ra trên khắp châu Âu, sớm hơn so với bình thường. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng gay gắt, làm ảnh hưởng đến chất lượng nho.

Chủ một vườn nho ở thị trấn Sahateni (Romania) cho biết: biến đổi khí hậu đã khiến lượng nho thu hoạch giảm khoảng 70%. Họ cũng phải thu hoạch sớm, khi hàm lượng đường trong nho còn chưa quá cao, ảnh hưởng hương vị rượu thành phẩm.

"Chúng tôi thu hoạch tất cả nho trong tháng 8. Do đó, có thể rượu vang trắng sẽ không thơm như trước, trong khi vang đỏ sẽ đậm đà hơn. Chúng tôi đang cố gắng cân bằng để cho ra những chai vang với hương vị và chất lượng ổn định".

Bà Aurelia Visinescu, chủ vườn nho ở Romania.

Tổ chức rượu vang và nho Quốc tế (OIV) cho biết sản lượng rượu vang toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1962. Tổ chức liên chính phủ này có 50 quốc gia thành viên, chiếm 75% diện tích vườn nho trên thế giới. OIV cho biết biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà ngành này đang phải đối mặt.

Sản lượng rượu vang toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất do điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Sản lượng rượu vang toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất do điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Các chuyên gia cho biết "điều kiện môi trường khắc nghiệt" bao gồm hạn hán và hỏa hoạn đã khiến sản lượng rượu vang sụt giảm.

Cây nho - thường được trồng ở nhiều khu vực trên khắp thế giới - bị ảnh hưởng mạnh mẽ và cực kỳ dễ bị tổn thương trước những thay đổi của khí hậu.

Những điều kiện này đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến các vùng sản xuất rượu vang lớn trên khắp bán cầu Bắc và Nam. Tổ chức này cho biết nó thậm chí còn tệ hơn so với những ước tính ban đầu được đưa ra vào tháng 11/2023.

Tại EU, sản lượng rượu vang giảm 10% vào năm 2023 - khối lượng rượu vang được ghi nhận thấp thứ hai kể từ đầu thế kỷ.

Một số quốc gia chứng kiến mưa xuân gây ra nấm mốc, lũ lụt, thiệt hại và tổn thất cho các vườn nho. Những vùng trồng nho khác - đặc biệt là ở miền Nam châu Âu - đã phải hứng chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra.

Italy là một trong những quốc gia sản xuất rượu vang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với năng suất giảm 23%. Lượng mưa lớn gây ra nấm mốc ở khu vực miền Trung và miền Nam cùng với thiệt hại do lũ lụt và mưa đá đã dẫn đến sản lượng sản xuất thấp nhất kể từ năm 1950.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng hạn hán thường xuyên có thể trở thành "tình trạng bình thường mới" trên khắp Địa Trung Hải vào giữa thế kỷ này nếu chúng ta không hành động ngay lập tức để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sản lượng rượu vang giảm kèm với thông tin cho rằng sản lượng tiêu thụ rượu vang đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1996 do giá tăng bởi lạm phát và lượng rượu vang tiêu thụ ở Trung Quốc giảm mạnh vì kinh tế suy thoái.

Bỉ thử nghiệm trồng lê thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại tỉnh Limburg của Bỉ, các nhà khoa học đang nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến quá trình trồng lê tại châu Âu. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, nhiệt độ cao khiến quả lê ít cứng hơn và có nhiều đường hơn.

Các nhà khoa học trồng cây lê trong mái vòm để mô phỏng điều kiện khí hậu thay đổi trong tương lai. Ảnh: Reuters.

Các nhà khoa học trồng cây lê trong mái vòm để mô phỏng điều kiện khí hậu thay đổi trong tương lai. Ảnh: Reuters.

Bên trong 12 mái vòm, các nhà nghiên cứu đang trồng lê trong một môi trường được kiểm soát, mô phỏng cách biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Limburg vào năm 2040. Mục đích của nghiên cứu là đánh giá hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến những người trồng trái cây ở châu Âu như thế nào.

"Sự biến động theo từng năm nghĩa là một năm không đủ để ghi nhận những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng như các thay đổi khí hậu khác có thể tàn phá mùa màng. Thí nghiệm sẽ kéo dài ba năm tương đương ba vụ thu hoạch. Vụ lê năm nay đang được phân tích tại Trung tâm Công nghệ Sau thu hoạch Flanders để kiểm tra kích thước, độ cứng và hàm lượng đường, sau đó sẽ được so sánh với lê trồng trong các mái vòm mô phỏng khí hậu hiện tại".

Ông Francois Rineau, Đại học Hasselt.

Các nhà khoa học vừa thu hoạch vụ thứ hai trong tháng này. Những quả lê đang được nghiên cứu để kiểm tra kích thước, độ cứng và hàm lượng đường. Kết quả sẽ được so sánh với những quả lê được trồng trong khí hậu hiện nay.

Lũ lụt, mưa đá và hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến những người trồng lê ở châu Âu trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội táo và lê thế giới, sản lượng lê của Bỉ dự kiến sẽ giảm 27% trong năm nay do nhiều yếu tố như cây ra hoa sớm bất thường và sương giá muộn bất thường.

Do đó, kết quả nghiên cứu ban đầu có thể giúp những người trồng lê tại Bỉ tránh được một số tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học dự kiến sẽ cắt giảm một số loại cây khác và tăng chi phí tưới tiêu để chống hạn hán.

Những ngôi nhà “xanh” chống biến đổi khí hậu ở Bulgaria

Công trình xanh hiện đang được chú trọng phát triển và tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu, bởi các công trình xây dựng ngày càng thể hiện trách nhiệm cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, với môi trường, hệ sinh thái và với chất lượng cuộc sống con người. Bulgaria đã và đang triển khai việc xây dựng các công trình xanh, thể hiện cam kết của nước này đối với sự phát triển bền vững và bảo tồn sinh thái, vừa thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngôi nhà bằng các vật liệu thân thiện có thể điều hòa nhiệt độ và cách nhiệt.

Ngôi nhà bằng các vật liệu thân thiện có thể điều hòa nhiệt độ và cách nhiệt.

Tại ngôi làng Zhelen được bao quanh bởi núi và sông, cách Thủ đô Sofia của Bulgaria khoảng 50 km, kiến trúc sư Kamen Pramatarov đã tạo nên ngôi nhà bằng các vật liệu thân thiện có thể điều hòa nhiệt độ và cách nhiệt. Ngôi nhà được xây dựng trên một sườn dốc hướng về phía Nam với tầm nhìn rộng lớn, được xây dựng bằng đất sét và gỗ với mái nhà xanh giúp tăng cường khả năng cách nhiệt tự nhiên.

"Mái nhà xanh đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ của ngôi nhà, vì mái chịu tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời. Ở đây, mái nhà xanh chính là một thảm thực vật giúp ứng phó với tình trạng nhiệt độ tăng cao của ngôi nhà. Và vào mùa đông, nó là lớp cách nhiệt tốt".

Kiến trúc sư Kamen Pramatarov.

Kiến trúc sư Pramatarov cũng chỉ ra lợi ích của những bức tường làm bằng đất sét trong việc giúp duy trì độ ẩm cho ngôi nhà.

Trong khi đó, mặt tiền bằng gỗ của ngôi nhà có chức năng thông gió, ngăn nhiệt và giữ ấm vào mùa đông. Ngoài ra còn có cửa sổ lớn và mái hiên che chắn khỏi ánh nắng gay gắt của mùa hè, đồng thời cho phép ánh nắng mùa đông chiếu vào.

Kiến trúc sư trẻ cho biết lý do chính để xây dựng và sinh sống trong ngôi nhà này là mối liên hệ sâu sắc của anh với thiên nhiên.

Tại ngôi làng Dolni Rakovets, Viện Xây dựng Môi trường (IEC), một tổ chức phi chính phủ chuyên thúc đẩy các kỹ thuật xây dựng thân thiện với môi trường, đã bắt đầu xây dựng trụ sở chính của mình trên địa điểm của một trường học cũ.

Ở một nơi khác gần Sofia, nhà máy Viverde Straw Modules, đang triển khai việc sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Tại cơ sở này, rơm lúa mì được biến thành các mô-đun xây dựng. Đồng sở hữu Velin Nikolov cho biết có một số lợi thế khi sống trong một ngôi nhà rơm.

Biến đổi khí hậu hiện đang là một thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại bởi những tác động tiêu cực, thảm khốc mà nó gây ra. Khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng ngày càng tăng, băng tan và mực nước biển dâng… đe dọa nghiêm trọng đến các hoạt động phát triển bền vững. Việc thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu đang ngày càng cấp bách.

Khuất Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/bien-doi-khi-hau-moi-de-doa-cap-bach-273083.htm