Biển Đông: Châu Âu dần mất kiên nhẫn với Trung Quốc

Việc ba nước Anh, Pháp, Đức đồng loạt gửi công hàm Biển Đông lên Liên Hợp Quốc báo hiệu một giai đoạn mới của một châu Âu cứng rắn và quyết liệt hơn trước các ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hôm 16-9, ba nước Pháp, Đức và Anh (còn gọi là nhóm E3) đã gửi lên Liên Hợp Quốc tuyên bố chung phản đối những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc (TQ) trên Biển Đông. Ba nước nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) phải là “khuôn khổ pháp lý” cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn, theo hãng tin Reuters.

Công hàm khẳng định cái gọi là “đường cơ sở thẳng” TQ vẽ ra xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cùng khái niệm “quyền lịch sử” nước này dùng làm căn cứ để đòi yêu sách với phần lớn Biển Đông là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 trong vụ kiện Biển Đông liên quan Philippines và TQ.

Biển Đông trong chiến lược của E3

Rõ ràng, Anh,Pháp, Đức hoàn toàn nhận thức được quan hệ với TQ sẽ có nguy cơ lao dốc khi những quốc gia này có lập trường ngày càng cứng rắn với các hành động đơn phương và sự quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông. Do đó, nhóm E3 nhiều khả năng đã sẵn sàng cho kịch bản này, hãng tin Bloomberg bình luận.

Trước hết, cả Anh và Pháp đều là những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời là những nước sở hữu vũ khí hạt nhân cùng với lực lượng hải quân có thể tác chiến ở bất kỳ đâu trên thế giới. Hai nước châu Âu này cũng sở hữu nhiều vùng lãnh thổ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng một loạt đối tác khu vực quan trọng.

Hồi tháng 6-2019, Paris từng công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này, trong đó khẳng định tư cách của Pháp là một quốc gia nằm trong khu vực, sẵn sàng hợp tác để bảo vệ các lợi ích chủ quyền và an toàn của công dân Pháp và chủ động đóng góp vào sự ổn định quốc tế.

Đến đầu tháng 9-2020, đến lượt Đức cũng bắt đầu dấn thân vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với một tập chiến lược dài 40 trang, nhấn mạnh ngoài những mục tiêu kinh tế, chiến lược của Đức còn nhắm tới việc “đóng góp chủ động vào việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Động thái trên của Đức có ý nghĩa đáng kể khi cho thấy sự thay đổi lập trường của nước này, bởi Berlin không sở hữu các vùng lãnh thổ trong khu vực và cũng không có lực lượng đủ sức tiến hành các chiến dịch ở những vùng biển xa xôi như Pháp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Berlin chính thức của ông vào tháng 7-2017. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Berlin chính thức của ông vào tháng 7-2017. Ảnh: REUTERS

“Châu Âu không còn ngây thơ trước Trung Quốc”

Tờ Asia Times cho biết dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp theo đuổi một chiến lược chủ động hơn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm kiểm soát tham vọng lãnh thổ của TQ và củng cố ảnh hưởng của Pháp ở đây. Theo quan điểm của ông Macron, Pháp cần thúc đẩy sự hợp tác chiến lược ở Biển Đông, mở rộng sự hợp tác kinh tế và quốc phòng với những quốc gia chia sẻ chung tầm nhìn và các giá trị cơ bản như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số quốc gia ở Đông Nam Á.

Trong chuyến thăm năm 2018 tới khu vực này, Tổng thống Macron đã kêu gọi thành lập liên minh chiến lược mới gồm Pháp, Úc và Ấn Độ nhằm bảo vệ một trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do.

Pháp những năm gần đây cũng đã ký các thỏa thuận quốc phòng quan trọng với các nước đồng minh. Trong số này có thỏa thuận đóng 12 tàu ngầm lớp Shortfin Barracuda trị giá 38 tỉ USD cho Hải quân Hoàng gia Úc hồi tháng 2-2019 và thỏa thuận bán 36 chiến đấu cơ Rafale trị giá 9,4 tỉ USD với Ấn Độ vào tháng 9-2016.

Trước một nước Mỹ ngày càng biệt lập và một TQ đầy tham vọng, châu Âu nhận thức rõ cần phải thay đổi, trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn, độc lập, tự chủ hơn về đối ngoại để có thể cạnh tranh với cả hai cường quốc này. Nếu chậm chân, cuộc đối đầu Mỹ - Trung gay gắt sẽ khiến châu Âu bị kẹt giữa và chịu nhiều tổn thất.

TS JORDAN BENSON, ĐH Oxford (Anh)

“Châu Âu không thể tiếp tục ngây thơ với TQ. Quan hệ giữa chúng ta và TQ không còn dừng lại ở lĩnh vực kinh tế nữa mà còn bao gồm cả những vấn đề địa chính trị chiến lược khác” - Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định tại kỳ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3-2019.

Trong chuyến thăm chính thức TQ vào đầu năm 2018, ông Macron cũng từng kêu gọi Bắc Kinh nên tìm cách mở rộng các sáng kiến kinh tế của nước này để đảm bảo lợi ích cho cả các nước đối tác chứ không chỉ mỗi TQ hưởng lợi.

Về phía Anh, London hiện đang tính toán động thái tiếp theo nên vẫn chưa đưa ra được nhiều động thái cụ thể như hai đồng minh châu Âu của mình. Dù vậy, trước các căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nghị sĩ Anh Andrew Bowie ngày 3-9 đã lên tiếng cảnh báo Thủ tướng Boris Johnson phải để mắt tới những mối đe dọa ngày càng rõ ràng từ TQ và luôn phải sẵn sàng để điều động tàu sân bay đến Thái Bình Dương nhằm phản ứng trước bất kỳ diễn biến leo thang nào.

Năm 2017, ông Johnson, lúc này vẫn đang là ngoại trưởng Anh, đã đề xuất rằng Anh có khả năng sẽ triển khai tàu sân bay mới nhất của nước này đến Biển Đông năm 2021. Tuy nhiên, Anh thời điểm đó vẫn đang trong quá trình hoàn tất các kế hoạch nhằm xem xét các biện pháp phản ứng với TQ. Đến đầu tháng 9 năm nay, tàu sân bay HMS Elizabeth đã bước vào giai đoạn chuẩn bị triển khai tác chiến chính thức và đã tiến hành một số đợt vận hành thử nghiệm.

Dù có thể phải mất thời gian nữa Anh mới có thể chính thức tiến vào Biển Đông, nước này vẫn có một số hành động phản đối TQ nhất định ở các mặt trận. Đơn cử, London trong năm nay đã từ chối nhiều thỏa thuận lớn với nhiều công ty TQ hoặc cấm hoàn toàn một số tập đoàn như Huawei hoạt động ở nước này do lo ngại các rủi ro về an ninh.

Bắc Kinh tiếp tục làm EU thất vọng

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến EU - TQ, vốn được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng cho quan hệ hai bên, đã kết thúc ngày 14-9 mà không đạt được tiến bộ lớn nào. EU đã nhiều lần phàn nàn về tình trạng các công ty của họ tại TQ không được hưởng mức độ minh bạch và sự cạnh tranh công bằng như EU đã tạo ra cho các công ty TQ. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị lại không đưa được các cam kết cụ thể nào mà chỉ lặp lại lời hứa hẹn như mọi năm rằng Bắc Kinh luôn tìm cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài, theo tờ The New York Times.

“Sự chậm chạp của TQ”, thuật ngữ mà nhiều tờ báo châu Âu trước đây thường sử dụng để mô tả việc Bắc Kinh chậm triển khai việc mở cửa thị trường vào thập niên 1990, giờ cũng bắt đầu phát ra từ miệng dàn lãnh đạo mới của EU. Trong cuộc họp báo chung sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thẳng thắn kêu gọi đã tới lúc TQ biến lời nói và cam kết thành hành động. “Châu Âu cần là một người chơi chứ không phải là một sân chơi để các bên khác tùy nghi đưa ra quyết định” - ông Michel nhấn mạnh.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/bien-dong-chau-au-dan-mat-kien-nhan-voi-trung-quoc-939484.html