Biển Đông có thể đón bão nên khả năng mưa lớn ở miền Trung kết thúc sớm hơn dự báo

Cơ quan khí tượng nhận định mưa lớn ở các tỉnh miền Trung có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 8/11 chứ không kéo dài như dự báo trước đó. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Mưa kéo dài đến ngày 8/11

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra nhận định mới nhất về diễn biến mưa lũ ở miền Trung. Theo đó, trong các bản tin dự báo trước đây, cơ quan khí tượng nhận định mưa lũ ở miền Trung sẽ kéo dài đến ngày 10/11, sau đó lại liên tiếp đón thêm 2 đợt mưa lũ nữa, diễn biến còn phức tạp.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, cơ quan khí tượng nhận định mưa lớn ở các tỉnh miền Trung có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 8/11. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Đợt mưa lớn ở miền Trung có thể kết thúc sớm hơn dự báo do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển.

Đợt mưa lớn ở miền Trung có thể kết thúc sớm hơn dự báo do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt mưa lớn. Trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.

Cơ quan khí tượng cho biết, đêm qua và sáng nay (4/11), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 3/11 đến 8h ngày 4/11 có nơi trên 100mm như: Kim Thủy (Quảng Bình) 113.6mm, Hải An (Quảng Trị) 245.4mm, Điền Hương (Thừa Thiên Huế) 141.8mm,…

Dự báo từ ngày 4/11 đến sáng ngày 6/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>150mm/6h).

Từ ngày 4/11 đến đêm 5/11, khu vực Thanh Hóa-Nghệ An có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-150mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Ngoài ra, ngày và đêm 4/11 ở khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Cảnh báo, chiều và đêm 6/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Nguyên nhân mưa lũ miền Trung được rút ngắn

Một trong những nguyên nhân tác động đến các kịch bản mưa lũ ở miền Trung là sự xuất hiện của một cơn bão ở ngoài khơi Philippines. Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn cho biết, hiện nay, ở phía đông của Philippines đang có cơn bão thứ 22 (trên vùng biển tây Thái Bình Dương) với tên quốc tế là Yinxing. Bão ở vị trí khoảng 11,7 độ vĩ bắc và 133,8 độ kinh đông đang di chuyển theo hướng bắc tây bắc với tốc độ 30km/giờ. Cơ quan khí tượng của Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng, bão sẽ vào Biển Đông vào rạng sáng 9/11, trở thành cơn bão số 7.

Hiện nay, không khí lạnh ở phía bắc đang về, sẽ kéo dài đến khoảng ngày 8 - 9/11 mới bắt đầu suy yếu. Khi bão vào khu vực đông bắc Biển Đông là lúc không khí lạnh yếu nên bão có khả năng đi về phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rồi hướng về đảo Hải Nam của Trung Quốc. Sau đó, do tiếp tục có không khí lạnh ảnh hưởng nên bão sẽ suy yếu.

"Yinxing là cơn bão mạnh, diễn biến còn phức tạp. Đây chỉ là những dự báo sớm và có thể còn nhiều thay đổi nên người dân đặc biệt là những người hoạt động trên biển cần chú ý theo dõi và cập nhật diễn biến mới", bà Lan khuyến cáo.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, cơn bão mới xuất hiện ở Philippines sẽ mạnh dần lên trong các ngày tới và quá trình này sẽ chi phối đến hình thái mưa tại Miền Trung.

Theo đó, giai đoạn từ 3-7/11 bão chưa mạnh nên ảnh hưởng của bão chưa nhiều. Các tỉnh miền Trung vẫn có mưa lớn với lượng mưa dao động từ 300-400mm cả đợt, cá biệt có nơi hơn 500mm. Vùng Lệ Thủy (Quảng Bình) có thể không bị lụt cao như đợt bão Trà Mi vừa rồi. Tuy nhiên khu vực Hà Tĩnh và phía Nam của Nghệ An có thể nhận lượng mưa từ 400-500mm cả đợt.

TS Huy nhận định, giai đoạn từ 7-8/11 khi bão mạnh hơn sẽ hút mây ẩm từ biển Đông về phía nó và khiến mưa ven bờ miền Trung giảm dần. Giai đoạn 9-10/11 khi bão mạnh nhất thì chấm dứt mưa ở miền Trung. Với việc điều tiết mực nước hồ chứa về mức thấp ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế vào Quảng Nam những ngày qua thì khả năng sẽ không có lụt lớn ở các địa bàn này.

Chuyên gia cảnh báo, dù kịch bản mưa có giảm, bà con vẫn cần cảnh giác đề phòng những tình huống cực đoan bất ngờ có thể xảy ra.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bien-dong-co-the-don-bao-nen-kha-nang-mua-lon-o-mien-trung-ket-thuc-som-hon-du-bao-169241104095134069.htm