Biến động đất đai tại TPHCM theo 4 xu hướng

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, biến động đất đai tại TPHCM diễn ra theo 4 xu hướng chính, trong đó có xu hướng giảm diện tích đất nông nghiệp qua từng năm, tăng diện tích đất phi nông nghiệp và ổn định diện tích chưa sử dụng.

Ngày 14-5, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM: Thực trạng và giải pháp”.

Đất chưa sử dụng chiếm 1.030ha

Tại hội thảo, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong 3 năm gần đây, tổng diện tích đất tự nhiên của TPHCM là 209.539,4ha gồm 3 loại đất chính: Đất nông nghiệp là 111.729ha (chiếm 53,32%), đất phi nông nghiệp là 96.779ha (chiếm 46,19%), đất chưa sử dụng chiếm 1.030ha (chiếm 0,49%).

 Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng thời cho biết, biến động đất đai diễn ra theo 4 xu hướng chính: Giảm diện tích đất nông nghiệp qua từng năm, tăng diện tích đất phi nông nghiệp và ổn định diện tích chưa sử dụng.

 Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM: Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM: Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một xu hướng tiếp theo, đó là người sử dụng đất nông nghiệp với mục đích trồng lúa, trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp khác có xu hướng chuyển mục đích theo quy hoạch để sang đất ở phục vụ nhu cầu.

Tốc độ đô thị hóa ở các vùng nông thôn trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh, về quy mô, diện tích. Công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, đặc biệt là đường giao thông, bệnh viện, trường học, mở hẻm, mở đường.

 Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, từ thực tiễn của thành phố, TPHCM đã kiến nghị và được tiếp thu đưa vào Luật Đất đai năm 2024 về công tác thể chế, công tác đăng ký và thống kê đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai và nâng cao hiệu quả của chuyển dịch đất đai theo quy hoạch.

Giá đất tăng cao vượt khả năng người dân

Về thực trạng quản lý đất đai tại TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc sử dụng, phân loại đất đai tại TPHCM đang bị mất cân đối và thiếu cân bằng. TPHCM đang thiếu đất cho giao thông, nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, công nghiệp công nghệ cao.

 Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng thời lo ngại, giá đất tại TPHCM tăng quá cao so với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ sẽ ảnh hưởng việc thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài (FDI), dẫn đến thiếu dự án lớn để tạo điều kiện bứt phá.

 TS Trần Du Lịch phát biểu góp ý. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Du Lịch phát biểu góp ý. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, công tác quản lý, sử dụng đất đai còn bất cập dẫn đến hệ quả giá đất bị đẩy lên cao, vượt khả năng của người dân. Với giá đất hiện tại, TPHCM rất khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội.

 Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Chánh Trực phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Chánh Trực phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước vấn đề này, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Chánh Trực cho rằng, TPHCM chủ động giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Đồng thời, cần điều chỉnh, cân đối quỹ đất để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng đường sá giảm tình trạng kẹt xe...

 Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Góp ý thêm về giải pháp, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề nghị cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tránh tình trạng nhà đất công bị bỏ trống, gây lãng phí. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.

 Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về hoàn thiện cơ chế chính sách, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh, TPHCM kiên quyết thực hiện các thủ tục thu hồi tài sản công, thu hồi các dự án chậm triển khai.

Đồng thời cần cơ chế được tạm sử dụng những khu đất công đang trong thời gian chờ thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định để thực hiện các dự án đầu tư nhằm khai thác sử dụng đất công hiệu quả, tránh lãng phí, tăng nguồn thu ngân sách.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Quốc hội cần có nghị quyết để giúp TPHCM cũng như các địa phương khác trong cả nước giải quyết vấn đề tồn đọng về giá đất. Nhưng trước mắt, khi tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2024, TPHCM cần chủ động và sớm xây dựng bảng giá đất.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bien-dong-dat-dai-tai-tphcm-theo-4-xu-huong-post739825.html