Biên giới biển đảo quê hương: Hợp tác xuyên biên giới, kết nối hạ tầng góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây
Tiểu vùng sông Mekong có tổng diện tích khoảng gần hai triệu kilomet vuông, bao gồm năm nước là Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam. Đây là khu vực có giá trị địa chiến lược đặc biệt quan trọng, với nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương thông qua các cơ chế, sáng kiến. Nổi bật là sáng kiến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) được đề xuất tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng Tiểu vùng Mekong mở rộng, tổ chức tháng 10/1998 tại Manila, Philippines và chính thức thông tuyến từ cuối năm 2006.
Hành lang Kinh tế Đông - Tây là tuyến hành lang dài khoảng 1.450km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Mianma, Thái Lan, Lào và Việt Nam; với cực Tây bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) của Mianma và cực Đông là thành phố Đà Nẵng của Việt Nam.
Ở Việt Nam, Hành lang Kinh tế Đông - Tây bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị chạy dọc theo đường 9, kết nối với Quốc lộ 1A ở Đông Hà, vào Thừa Thiên Huế, qua đường hầm đèo Hải Vân đến cảng biển Đà Nẵng.
Mục tiêu của tuyến hành lang này là:
- Tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển giữa bốn quốc gia thành viên;
- Giảm chi phí vận chuyển trong khu vực hành lang đi qua và giúp vận chuyển hàng hóa và người dân hiệu quả hơn;
- Giảm nghèo và hỗ trợ sự phát triển của khu vực nông thôn và biên giới dọc theo Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Với vai trò quan trọng trong khu vực, nhất là với các tỉnh miền Trung nằm trên tuyến, Hành lang Kinh tế Đông - Tây đã được xác định là một trong những tuyến hành lang chính trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 (năm 2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây là 1 trong 6 nội dung quan trọng trong hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!