Biển Hồ sẽ phải nhường nước cho kênh đào Phù Nam - Techo

Theo các chuyên gia, việc lấy nước và chuyển nước vào kênh Phù Nam - Techo từ sông Hậu và sông Tiền sẽ giảm lượng nước về Biển Hồ. Bassac và Mekong hiện là hai phân lưu chia nước với Biển Hồ, vì vậy Biển Hồ sẽ phải nhường nước cho kênh Phù Nam - Techo.

Sáng 23/4, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức họp tham vấn về dự án kênh Funan Techo (Phù Nam – Techo) của Campuchia, và thực hiện thủ tục tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hòa Hội

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hòa Hội

Theo Ủy hội sông Mekong Việt Nam, dự kiến kênh Phù Nam – Techo sẽ được Campuchia khởi công trong năm nay và đưa vào hoạt động năm 2028. Kênh đào dài 180km, rộng 100m, xây dựng 3 âu thuyền, phục vụ tàu tải trọng 1.000 DWT. Kênh nối Phnom Penh với các cảng của Campuchia trên vịnh Thái Lan.

Dự án kênh đào này ước kinh phí đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD.

Cụ thể, điểm đầu nối với dòng Bassac (sông Tiền khi vào Việt Nam), gần cảng ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đi qua các tỉnh Kandal, tỉnh Takeo, tỉnh Kampot và kết nối với các cảng ở tỉnh Kep của Campuchia đổ ra vịnh Thái Lan.

Dự án kênh đào Phù Nam – Techo của Campuchia.

Dự án kênh đào Phù Nam – Techo của Campuchia.

Đại diện Ủy hội sông Mekong Việt Nam cho biết, phía Campuchia đã gửi thông báo về việc xây dựng kênh Phù Nam – Techo. Thông báo nêu rằng, sẽ không có tác động đáng kể đến lưu lượng hằng ngày và lưu lượng dòng chảy hằng năm của hệ thống sông Mekong.

Việc xây dựng và vận hành 3 âu thuyền đường thủy sẽ cho phép quản lý và kiểm soát dòng chảy trong kênh một cách hiệu quả. Ngoài ra, các tác động môi trường và xã hội ở mức rất nhỏ trong cả quá trình xây dựng và vận hành có thể kiểm soát được.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên Bộ môn Tài nguyên Nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hòa Hội

PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên Bộ môn Tài nguyên Nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hòa Hội

Nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn

PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên Bộ môn Tài nguyên Nước, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Cố vấn Khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, khi dự án hoàn thành sẽ tác động về hệ sinh thái, môi trường và tính đa dạng sinh học.

Cụ thể, vào mùa mưa, kênh đào này với đường đắp bờ hai bên thành đường giao thông và đô thị hóa sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ (lũ trên sông Mekong là lũ tràn đồng). Vì thế, đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng: Phía Bắc của kênh diện tích ngập sẽ gia tăng lên, trong khi phần đất phía Nam và vùng trũng tứ giác Long Xuyên sẽ giảm lũ.

Lũ thấp không những ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết như đập Tha La (An Giang), còn làm giảm nguồn cá, phù sa, dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học do chuỗi thức ăn thay đổi một cách đáng kể.

Ông Tuấn cũng dự báo, các cánh đồng và vùng đất ngập nước nổi tiếng như Anlung Pring là nơi bảo tồn Sếu của Campuchia, và vùng đất ngập nước Trà Sư (An Giang), khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Kiên Giang) sẽ giảm lượng nước đáng kể và đe dọa sự tồn tại đặc điểm đa dạng sinh học ở các nơi này. Kể cả những tín hiệu sinh thái có thể bị ảnh hưởng sẽ làm lệch lạc cho các loài di cư hoặc sinh sản theo mùa.

Ngoài ra, việc lấy nước và chuyển nước vào kênh Phù Nam - Techo từ sông Hậu và sông Tiền sẽ giảm lượng nước về Biển Hồ. Bassac và Mekong hiện là hai phân lưu chia nước với Biển Hồ, vì vậy Biển Hồ sẽ phải nhường nước cho kênh Phù Nam - Techo.

Người dân miền Tây hứng từng can nước về nhà sinh hoạt. Ảnh: Hòa Hội

Người dân miền Tây hứng từng can nước về nhà sinh hoạt. Ảnh: Hòa Hội

Cũng theo ông Tuấn, nước ở vùng trũng tứ giác Long Xuyên giảm, phù sa giảm, sẽ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, và làm trầm trọng nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn mùa khô vùng tây Sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Điều này còn tạo sự thay đổi bất lợi cho môi trường đất ngập nước, tính đa dạng sinh học, sản phẩm du lịch sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, quy hoạch các tỉnh trong vùng có thể phải điều chỉnh, vì trước đó chưa xét tới có kênh đào này.

Người dân Bến Tre kéo nước ngọt về nhà sinh hoạt. Ảnh: Hòa Hội

Người dân Bến Tre kéo nước ngọt về nhà sinh hoạt. Ảnh: Hòa Hội

Khi có kênh đào Phù Nam, nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ở vùng ven biển Tây Nam sông Hậu có thể nặng nề hơn. Các biện pháp chống sạt lở, lún sụt hiện nay có thể thêm khó khăn. Đặc biệt, thiếu hụt nước ngọt đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng hàng chục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và dự án xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai.

Ông Võ Đức Phong - Phó Chi cục trưởng Chi Cục thủy lợi tỉnh Tiền Giang, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hòa Hội

Ông Võ Đức Phong - Phó Chi cục trưởng Chi Cục thủy lợi tỉnh Tiền Giang, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hòa Hội

Cung cấp đánh giá về nguồn nước, xâm nhập mặn

Ông Võ Đức Phong - Phó Chi cục trưởng Chi Cục thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết, hiện, thượng lưu Mekong đang phát triển mạnh thủy điện, với dung tích điều tiết ước tính đến năm 2021 khoảng 65 tỷ m³ nước; giai đoạn 2040-2050 có thể lên đến trên 100 tỷ m³.

Hệ thống hồ, đập trên sông Mekong đã làm thay đổi quy luật dòng chảy và chế độ nước về Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, kể từ sau năm 2011 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long chưa xuất hiện trận lũ lớn nào. Tuy Tiền Giang là vùng ngập lũ nông, nhưng hệ quả lũ suy giảm đã, đang tác động đến phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng sinh thái ngập lũ, suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Sông cạn khô trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong mùa khô năm 2020. Ảnh: Hòa Hội

Sông cạn khô trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong mùa khô năm 2020. Ảnh: Hòa Hội

Cùng với đó, xâm nhập mặn mùa khô xuất hiện sớm hơn so với trước đây từ 1-1,5 tháng (tác động lớn đến vụ lúa Đông Xuân – là vụ chính); thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 1-2 tháng so với trước đây, như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020 và cả năm 2023-2024. Tác động của hạn mặn không chỉ ước tính bằng tiền, còn ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội.

Theo ông Phong, Tiền Giang đang đối mặt tình trạng thiếu nguồn nước ngọt trong mùa khô, sạt lở bờ biển, sụt lún.

Ông Phong kiến nghị, các thông tin về xây dựng kênh Phù Nam - Techo cần cung cấp nghiên cứu đánh giá chi tiết về tác động môi trường với Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn.

Ngày 11/4/2024, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Phù Nam - Techo và đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bien-ho-se-phai-nhuong-nuoc-cho-kenh-dao-phu-nam-techo-post1631313.tpo