Biến nước mặn, nắng, gió thành tài nguyên

Chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước… Để mục tiêu phát triển ĐBSCL thành vùng chiến lược về nông nghiệp trở thành hiện thực, rất cần khai thác hiệu quả hơn nữa điều kiện tự nhiên riêng có ở nơi đây.

Cơ hội và thách thức

Nhắc đến ĐBSCL là nhắc đến vô số những vựa trái cây, với nhiều loại trái cây ngon nổi tiếng cả nước, như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thanh long, xoài, bưởi… ĐBSCL cũng là vùng đất có những cánh đồng cò bay thẳng cánh – nơi xuất xứ của nhiều loại gạo xuất khẩu ra thế giới. Nơi đây cũng được biết đến với những loại thủy - hải sản chất lượng tươi ngon và sản lượng lớn nhất cả nước… Với nhiều tiềm năng, lợi thế, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL hiện đang đứng trước thời cơ lớn trong việc đón làn sóng chuyển dịch đầu tư trong khu vực.

Những cánh đồng cò bay thẳng cánh ở ĐBSCL - nơi xuất xứ của nhiều loại gạo xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam

Những cánh đồng cò bay thẳng cánh ở ĐBSCL - nơi xuất xứ của nhiều loại gạo xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam

Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm mạnh” đã được nhìn nhận, những năm gần đây, ĐBSCL được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm nhiều hơn bởi đây cũng chính là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thiên tai không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân, nhất là 1,5 triệu đồng bào DTTS, mà còn có tác động không nhỏ tới tăng trưởng toàn vùng.

Kết quả thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, vùng ĐBSCL phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế trung bình của vùng chỉ đạt 1,2% (cả nước tăng 1,81%). 8 tỉnh có tăng trưởng dương là: Đồng Tháp đạt 3,41%; Bạc Liêu hơn 2%; An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An tăng trưởng hơn 1%, 5 địa phương còn lại tăng trưởng âm. Đóng góp cho kết quả tăng trưởng dương của các 8 tỉnh, chủ yếu vẫn là các sản phẩm chủ lực của vùng, bao gồm: Chế biến thủy sản, hàng may mặc các loại, thức ăn chăn nuôi, điện, gạo các loại...

Phát triển bền vững theo hướng “thuận thiên”

Để giải quyết các vấn đề đặt ra với ĐBSCL, tháng 6, 7, 8 Chính phủ và các đoàn công tác đã tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Trong đó, tập trung vào việc tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho vùng để cùng với các vùng kinh tế trọng điểm khác đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với tinh thần thực hiện mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Nhiệm vụ trước mắt đặt ra là hết sức nặng nề với đất nước, trong đó có vùng ĐBSCL. Trước thực tế hiện nay, ĐBSCL cần cơ chế, chính sách nào đột phá, nhất là thủ tục đầu tư, tài chính để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến ĐBSCL nhiều hơn?

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa. “Từ ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, hơn 85% dòng thuế được xóa bỏ. Điều này sẽ tác động tốt đến ĐBSCL - trung tâm sản xuất lương thực, trái cây, thủy sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam” – Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời mong muốn: “Với hơn 20 triệu dân, với vị thế chiến lược, điều kiện tốt về kinh tế, ĐBSCL cần phấn đấu quyết liệt, đóng góp cho cả nước và giải quyết đời sống nhân dân – xứng đáng với vai trò là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp của đất nước. Cụ thể, trước mắt, các địa phương trong vùng phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa bàn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm; có trách nhiệm triển khai hiệu quả, minh bạch các gói hỗ trợ; quan tâm hệ thống doanh nghiệp, không để đổ vỡ hệ thống doanh nghiệp địa phương, quan tâm đến người nghèo, đồng bào dân tộc, công nhân, người lao động gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19”.

Dành quan tâm đặc biệt cho “Vùng đất Chín Rồng”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến quan điểm đầu tư phát triển vùng. Theo Phó thủ tướng, với ĐBSCL, để trở thành vùng chiến lược về nông nghiệp thì: “nước mặn cũng phải trở thành tài nguyên, gió, nắng cũng phải trở thành tài nguyên”. Thời gian tới, ĐBSCL phải phát triển bền vững theo hướng “thuận thiên” - dựa vào thiên nhiên, thích nghi với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, 13 tỉnh trong vùng phải đoàn kết, kết nối cả vùng, đưa cả vùng vươn lên, lấy thành phố Hồ Chí Minh làm trung tâm vùng cho cả ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bien-nuoc-man-nang-gio-thanh-tai-nguyen-141994.html