Các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tìm biện pháp ứng phó việc Mỹ áp thuế 46%

Trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế tối thiểu và bổ sung lên 180 thị trường nhập khẩu, trong đó, mức thuế với Việt Nam là 46%, nhiều hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã tìm các biện pháp ứng phó.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Trong đó, xét thị trường theo quốc gia, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 21,7% và 21,6%. Các thị trường này đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, với mức tăng lên đến 24,6%, và Trung Quốc tăng 11%.

Xét về các mặt hàng, Mỹ là nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong 16,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm thị phần 55,5%. Về thủy sản, Mỹ nhập khẩu 18,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 10,07 tỷ USD của nước ta.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế tối thiểu và bổ sung lên 180 thị trường nhập khẩu, trong đó, mức thuế với Việt Nam là 46% khiến hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rất "bối rối".

Hiện kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm, trong đó, tôm và cá tra là chủ lực. Vì vậy việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trước tình hình đó, tới đây VASEP sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, từ đó có những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt.

Việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng, mức thuế này sẽ không áp dụng cho tất cả các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. “Theo tôi, các doanh nghiệp chưa nên quá hoang mang, lo lắng vào lúc này vì tôi cho rằng Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế 46% cho tất cả các mặt hàng của Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ mà họ sẽ lựa chọn những mặt hàng nào đang xuất siêu hoặc nghi ngờ có xuất xứ nguyên liệu từ nước thứ ba như hàng điện tử, thép, nhôm, năng lượng tái tạo, dệt may, giày dép,…”, ông Nguyên nhận định. Thực tế, điều này đã từng xảy ra ở nhiệm kỳ trước của ông Trump khi một số doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam đã bị Mỹ điều tra do nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa.

Đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ, phía Mỹ có thể xem xét đến một số mặt hàng đang có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm trong nước của họ như cá tra. Năm 2024, chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục trong xuất khẩu mặt hàng rau quả sang Mỹ, sau khi Mỹ mở cửa cho sản phẩm dừa tươi bóc vỏ, bưởi da xanh của Việt Nam, đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 lần đầu tiên đạt con số 360 triệu USD, trong khi từ năm 2023 trở về trước chỉ dao động trong khoảng 200 - 250 triệu USD.

Ông Nguyên cũng cho rằng, đối với ngành hàng rau quả, hiện nay, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Mỹ nên sẽ không bị áp mức thuế này. Bởi năm 2024, chúng ta nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD rau quả các loại”. Trước mắt, có thể tốc độ xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực sẽ chậm lại, có thể giảm về kim ngạch xuất khẩu. Lúc này, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản cần phải bình tĩnh, nắm bắt thông tin; bên cạnh đó cần chủ động chuẩn bị tài liệu chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 lần đầu tiên đạt con số 360 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 lần đầu tiên đạt con số 360 triệu USD.

Các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn.

Ông Nguyên cũng đề xuất, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường; chủ động ứng phó, thích nghi với những sự thay đổi từ phía các thị trường nhập khẩu.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T thông tin: Năm 2024, doanh thu của Vina T&T tại thị trường Mỹ là 62 triệu USD, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Để ứng phó với việc áp thuế 46% của Mỹ, ông Tùng cho rằng doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận xuống để bù vào thuế để thị trường không bị sốc, ví dụ đang lời 15% thì doanh nghiệp sẽ lấy lợi nhuận để bù vào thuế, giúp khách hàng không quá sốc; đồng thời chuyển hướng tìm những thị trường mới.

“Trước mắt, một số mặt hàng bị áp thuế cao ngay trong ngày 15/4 chủ yếu là các mặt hàng liên quan đến an ninh, năng lượng tái tạo, công nghệ, thiết bị bán dẫn, hàng điện tử… Với những mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng phải ăn để sống thì tôi nghĩ còn có thể lạc quan, hi vọng sẽ áp mức thuế phù hợp”, ông Tùng nhấn mạnh.

T.Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/cac-hiep-hoi-doanh-nghiep-xuat-khau-nong-san-tim-bien-phap-ung-pho-viec-my-ap-thue-46--i763973/