Biện pháp đơn giản để kiểm soát mỡ máu

Mỡ máu cao là bệnh lý thường gặp ở người trưởng thành. Nếu không được điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ...

 Mỡ máu cao có thể gây hàng loạt những biến chứng nguy hiểm lên cơ thể. Ảnh: Shutterstock.

Mỡ máu cao có thể gây hàng loạt những biến chứng nguy hiểm lên cơ thể. Ảnh: Shutterstock.

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, khi đó, thành phần mỡ trong máu tăng bất thường, gây ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.

Bệnh mỡ máu cao có di truyền không?

GS.TS Trương Quang Bình, nguyên Phó giám đốc, Chủ tịch hội đồng khoa học Bệnh viện Y dược TP.HCM, cho biết mỡ máu cao có thể là do di truyền, cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh như: đái tháo đường, béo phì, suy giáp, hội chứng thận hư…

Ngoài ra, bệnh còn chịu tác động từ lối sống như ít vận động, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, giàu năng lượng, nghiện rượu hoặc do một số thuốc…

Mỡ máu cao có trị dứt điểm được không?

Nếu bạn mắc một trong các bệnh kể trên mà trong đó tăng lipid máu chỉ là một biểu hiện của bệnh, sau khi điều trị ổn các bệnh này, lipid máu có thể trở về bình thường.

Đối với người bị rối loạn chuyển hóa lipid nguyên phát (không có nguyên nhân), việc điều trị trước tiên là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn, tăng cường vận động thể lực. Đối với những trường hợp nhẹ, các biện pháp nêu trên đã đủ để ổn định mỡ máu.

Đối với trường hợp tăng mỡ máu nặng hơn, không kiểm soát được bằng các biện pháp không dùng thuốc, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc hạ mỡ máu. Thông thường, thuốc hạ mỡ máu sẽ được dùng trong 6-12 tháng. Sau đó, nếu mỡ máu trở về mức bình thường, bạn sẽ được giảm liều hoặc ngưng thuốc.

Chỉ số mỡ máu sẽ được kiểm tra mỗi 3-6 tháng. Nếu mỡ máu tăng lại dù bạn đã ăn kiêng và vận động đúng cách thì thời gian dùng thuốc sẽ kéo dài hơn. Trong trường hợp này, có thể bạn đã bị rối loạn di truyền về chuyển hóa lipid.

Người mỡ máu cao nên ăn gì?

Bên cạnh việc vận động, người bệnh mỡ máu cao nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng sau đây để cải thiện tình trạng bệnh:

Giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày (<30% tổng năng lượng hàng ngày)
Không nên ăn nhiều thức ăn chiên, nên ăn thức ăn luộc, nấu
Không ăn thịt mỡ, thịt bò, da thịt gà quá nhiều, hạn chế thức ăn chế biến sẵn
Thường xuyên ăn cá (nhưng tránh tôm, cua) thay thế thịt heo, bò…
Sử dụng dầu thực vật (trừ dầu dừa) thay cho mỡ động vật, ăn nhiều rau xanh, trái cây có chất xơ
Đối với người tăng triglyceride thì hạn chế ăn nhiều thức ăn ngọt và không uống rượu bia

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/3-cau-hoi-thuong-gap-ve-benh-mo-mau-cao-post1508175.html