Biện pháp lãnh đạo tác động hai chiều từ hoạt động đối thoại

Đối thoại là một biện pháp lãnh đạo, tác động hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền và người dân. Công tác này được các cấp ở Nghệ An chú trọng, tạo thống nhất chung về mặt nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.

Lãnh đạo huyện Anh Sơn khảo sát việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Tường Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Lãnh đạo huyện Anh Sơn khảo sát việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Tường Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Giải quyết các vấn đề cụ thể

Cuối tháng 5/2024, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã Hội Sơn (Anh Sơn) tổ chức đối thoại với cán bộ, nhân dân thôn 2. Bên cạnh giải đáp nhiều thắc mắc của người dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng giao trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân giải quyết từng vấn đề người dân nêu.

Cụ thể, ngay sau đối thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Sơn cùng 2 công chức địa chính văn hóa - xã hội được giao trách nhiệm phối hợp với thôn tổ chức giăng dây và cắm các biển báo nguy hiểm ở một số khu vực, đồng thời làm việc với đơn vị thi công đảm bảo an toàn đi lại và sinh hoạt của người dân trong quá trình thi công dự án thủy lợi trên địa bàn.

Đối với phản ánh của người dân liên quan đến tranh chấp đất đai, đích thân Bí thư Đảng ủy xã cùng với cán bộ MTTQ xã và thôn đã đi khảo sát thực tế; gặp gỡ, trao đổi trực tiếp các hộ dân, đưa ra hướng giải quyết. Hoặc liên quan đến ý kiến đề xuất của người đưa nước sinh hoạt tập trung về sử dụng, chính quyền xã cũng đã trực tiếp làm việc với đơn vị cung cấp nước sinh hoạt khảo sát nhu cầu của người dân để tiến hành các bước tiếp theo…

Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền xã Hội Sơn (Anh Sơn) với người dân. Ảnh: Mai Hoa

Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền xã Hội Sơn (Anh Sơn) với người dân. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Ngô Thị Huyền - Bí thư Đảng ủy xã Hội Sơn cho biết, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã tổ chức 7 cuộc đối thoại theo hình thức tập trung tại xã và từng thôn. Qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng lãnh đạo, công chức chuyên môn xã trao đổi tường tận, cụ thể; người dân có nhận thức tốt hơn các nội dung được bàn thảo, đồng thời cấp ủy, chính quyền cũng nắm bắt kịp thời và thấy rõ hơn các khó khăn, vướng mắc của người dân để giải quyết sớm, tránh tạo bức xúc trong nhân dân.

Người dân phá bỏ diện tích mía, hiến đất, giải phóng mặt bằng dự án đường nối xã Nghĩa Đức đi thị xã Thái Hòa. Ảnh: Mai Hoa

Người dân phá bỏ diện tích mía, hiến đất, giải phóng mặt bằng dự án đường nối xã Nghĩa Đức đi thị xã Thái Hòa. Ảnh: Mai Hoa

Ở xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn), khi có chủ trương xây dựng tuyến đường nối xã Nghĩa Sơn đi thị xã Thái Hòa, qua địa bàn xã hơn 11km, mở rộng từ 5m lên 12m nhưng không có kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động tổ chức 5 cuộc đối thoại vừa phổ biến chủ trương, thông tin về dự án, vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân hiến đất, tài sản, giải phóng mặt bằng.

Đồng chí Lang Thị Liễu - Phó Bí thư trực Đảng xã Nghĩa Đức chia sẻ: Dự án có hơn 350 hộ bị ảnh hưởng với hơn 80.000m2 đất ở và sản xuất cần thu hồi. Nhiều người dân cũng tâm tư, trong đó có những hộ phải lùi vào, hiến hàng trăm đến gần cả nghìn mét vuông đất sản xuất cùng với một số cây trồng cao su, keo, mía, sắn. Có hộ đất ở bị ảnh hưởng, cổng và bờ rào kiên cố hàng chục triệu đồng phải phá dỡ không có tiền đền bù. Song, qua đối thoại, cấp ủy, chính quyền phân tích cho người dân thấy rõ nhiều lợi ích lâu dài khi đầu tư xây dựng tuyến đường này, người dân đã hy sinh lợi ích trước mắt của gia đình để hiến đất, tài sản triển khai tuyến đường. Đến thời điểm này, cơ bản các hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công...

Quang cảnh cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân tại xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn). Ảnh: Mai Hoa

Quang cảnh cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân tại xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn). Ảnh: Mai Hoa

Đa dạng hình thức, nội dung đối thoại

Đối thoại được coi là một biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát, cụ thể và tác động hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền với người dân. Bởi vậy, công tác này được các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung và đối tượng khác nhau, nhằm tạo sự thống nhất chung về mặt nhận thức, tư tưởng và hành động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.

Ở huyện Nghĩa Đàn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện đã tổ chức 5 cuộc đối thoại. Bao gồm, đối thoại với 2 xã đã về đích nông thôn mới nhằm thống nhất quan điểm, chủ trương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao; tổ chức đối thoại 10 xã chưa về đích nông thôn mới để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, quyết tâm về đích nông thôn mới trong nhiệm kỳ; đối thoại với các đơn vị thực hiện sáp nhập xã giai đoạn 2023 - 2025; đối thoại với bí thư chi bộ khối, xóm, bản toàn huyện về phát triển đảng viên; đối thoại với bí thư, trưởng khối, xóm, bản thuộc 6 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Làm đường giao thông gắn với đường cờ tại xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn). Ảnh: Mai Hoa

Làm đường giao thông gắn với đường cờ tại xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn). Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở đối thoại, nhiều chủ trương, chính sách được thông tin đầy đủ, cặn kẽ để cơ sở hiểu đúng và đề ra các giải pháp, biện pháp chỉ đạo với sự quyết tâm cao.

Đồng chí Trương Minh Hoài - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nghĩa Đàn nêu ví dụ, thời điểm năm 2020, tại 10 xã chưa về đích nông thôn mới, tâm lý trong cán bộ và người dân một số địa phương chưa quyết liệt do lo lắng khi đạt nông thôn mới sẽ bị cắt nguồn lực đầu tư và một số chính sách như về bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thông qua đối thoại của lãnh đạo huyện, bà con đã hiểu rõ, theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Nghĩa Đàn không có xã nào được xếp vào diện đặc biệt khó khăn để hưởng chính sách. Mặt khác, xây dựng nông thôn mới chính là phát huy ý chí tự lực, tự cường của địa phương, nội lực của chính người dân để cải thiện cuộc sống của người dân, không “trông chờ, ỷ lại” vào Nhà nước. Huyện cũng định hướng cách làm, gắn trách nhiệm từng địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với tinh thần quyết liệt sẵn sàng luân chuyển, thay thế cán bộ có năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ không cao. Nhờ đó, sau đối thoại, phong trào xây dựng nông thôn mới ở các xã có nhiều chuyển động và đến nay, huyện Nghĩa Đàn có 22/22 xã về đích nông thôn mới.

Hay từ thực tế khó khăn của công tác phát triển đảng viên, năm 2022, qua đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn với đội ngũ bí thư chi bộ các khối, xóm, bản, nhiều chi bộ đã trăn trở đưa ra nhiều giải pháp và quyết liệt chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực. Kết quả, nếu như năm 2020 chỉ phát triển được 74 đảng viên; năm 2021 phát triển được 164 đảng viên; năm 2022 phát triển 165 đảng viên; năm 2023 phát triển 210 đảng viên; 5 tháng đầu năm 2024 phát triển 77 đảng viên, cao hơn cùng kỳ năm 2023…

Tại huyện Anh Sơn, việc đối thoại giải quyết đơn thư của công dân và đối thoại theo chuyên đề để giải quyết vấn đề nổi cộm cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. Có những nội dung đối thoại nhận được sự đồng tình của cán bộ và người dân như: Đối thoại giải quyết chính sách đối với đội ngũ giáo viên hợp đồng 06, 09; đối thoại với nhân dân xã Lạng Sơn liên quan đến sáp nhập trường trung học cơ sở; đối thoại ở cấp thôn, bản, tổ dân phố...

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Anh Sơn trao đổi với bí thư, trưởng khối, xóm tham gia hội nghị đối thoại. Ảnh: Mai Hoa

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Anh Sơn trao đổi với bí thư, trưởng khối, xóm tham gia hội nghị đối thoại. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Thị Thúy An - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Anh Sơn khẳng định: Thôn, bản, tổ dân phố dù không phải một cấp hành chính trong hệ thống chính trị nhưng có vai trò vô cùng quan trọng, là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Chính vì vậy, việc tiến hành hoạt động đối thoại với nòng cốt cơ sở cũng là cách để cấp ủy, chính quyền huyện đồng hành tháo gỡ khó khăn phát sinh từ thực tiễn.

Bởi vậy, trong 4 năm (2020 – 2023) với 9 cuộc đối thoại của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đều dành đối thoại đội ngũ bí thư, trưởng thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện và già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ đối thoại, nhiều phản ánh, bức xúc của người dân được tập trung chấn chỉnh, khắc phục.

Box: Triển khai thực hiện Đề án 07, ngày 24/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, trong hơn 2 năm (2022 - 2024), các cấp trong tỉnh đã tổ chức 715 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Tác động tích cực của hoạt động đối thoại chính là giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, tạo đồng thuận xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh ở từng cấp và phạm vi toàn tỉnh.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/bien-phap-lanh-dao-tac-dong-hai-chieu-tu-hoat-dong-doi-thoai-10274128.html