Biện pháp ngăn chặn mua nhà đất qua vi bằng

Trong tuần qua, những thông tin cảnh giác về việc mua nhà vi bằng đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Nhiều bạn đọc cho rằng việc giao dịch mua bán nhà đất thông qua giấy tay dưới hình thức lập vi bằng giao nhận tiền, người mua có thể đã lường trước được rủi ro nhưng vì giá rẻ nên chấp nhận.

Một số bạn đọc thắc mắc khi phát hiện có tình trạng mua nhà thông qua vi bằng giao nhận tiền thì các cơ quan đã có những giải pháp gì để chấn chỉnh.

UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 từng đặt bảng cảnh báo cho người dân tại đầu hẻm vào một khu nhà xây sai phép trên địa bàn. Ảnh: VÕ HÀ

UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 từng đặt bảng cảnh báo cho người dân tại đầu hẻm vào một khu nhà xây sai phép trên địa bàn. Ảnh: VÕ HÀ

Cơ quan chức năng từng cảnh báo

Để ngăn chặn việc người dân gặp phải rủi ro khi mua bán nhà đất qua vi bằng, các cơ quan chức năng đã từng đưa ra nhiều giải pháp.

Trước năm 2020, Sở Tư pháp TP.HCM đã từng gửi thông báo đến các cơ quan chức năng về việc người dân không mua bán nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng ghi nhận việc giao, nhận tiền giữa các bên. Vi bằng do thừa phát lại (TPL) lập ra chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà TPL trực tiếp chứng kiến; không chứng nhận hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất.

Sở này cũng đã có văn bản nhắc nhở các văn phòng TPL phải có trách nhiệm giải thích cho khách hàng hiểu rõ quy định pháp luật và giá trị pháp lý của vi bằng.

Ngày 14-2-2020, Nghị định 08/2020 quy định về tổ chức và hoạt động của TPL bắt đầu có hiệu lực. Tại khoản 5 Điều 37 nghị định này quy định TPL không được lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu...

Tại một số địa phương, UBND cấp xã, huyện trên địa bàn TP.HCM cũng thực hiện một số giải pháp để hạn chế người dân cảnh giác việc mua, bán nhà qua vi bằng bằng nhiều cách. Có phường đã gắn bảng cảnh giác đề nghị người dân không mua nhà ba chung là chung giấy chứng nhận, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà để tránh nguy cơ rủi ro.

Yêu cầu khách hàng trực tiếp viết tay

“Kể từ khi có văn bản yêu cầu của Sở Tư pháp và Nghị định 08/2020 ra đời, các văn phòng TPL không còn lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản. Thay vào đó, các vi bằng dạng này chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền giữa các bên (không nêu mục đích nhận tiền để làm gì). Tuy nhiên, nhiều người bán và người mua nhà đất vẫn mù mờ vin vào vi bằng giao nhận tiền đó như một bằng chứng để mua bán nhà đất giấy tay. Đó là do họ hiểu sai!” - luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết.

Theo đại diện Văn phòng TPL quận 10, TP.HCM, hiện nay, các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng bất động sản, mua bán nhà đất thuộc một trong các trường hợp TPL không được lập vi bằng.

Để đảm bảo cho đương sự hiểu giá trị pháp lý của vi bằng sẽ không có giá trị khi mua bán nhà đất. Một trong những giải pháp và nguyên tắc khi lập vi bằng mà Văn phòng TPL quận 10 đang áp dụng là yêu cầu đương sự tự mình trực tiếp viết vào vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền giữa hai bên với nội dung: “Tôi đã đọc hiểu giá trị của vi bằng. Việc giao nhận tiền theo vi bằng này chỉ có giá trị nguồn chứng cứ. Không chứng nhận hay xác thực việc chuyển nhượng nhà đất giữa các bên hoặc các giao dịch trái pháp luật khác”.

Cũng theo Văn phòng TPL quận 10, sở dĩ phải yêu cầu khách hàng tự tay mình viết (thay vì đánh máy sẵn in ra cho khách hàng đọc) là để đảm bảo chắc chắn và khẳng định lại một lần nữa cho người dân biết được là vi bằng sẽ không có giá trị đối với những giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất.

“Sau khi đã được TPL giải thích giá trị của vi bằng, các trường hợp không được lập vi bằng và yêu cầu khách hàng trực tiếp viết tay thì khi đó chúng tôi mới tiến hành lập vi bằng. Trường hợp khách hàng nào lập vi bằng với mục đích dùng để phục vụ cho chuyển nhượng bất động sản thì chúng tôi sẽ từ chối” - Văn phòng TPL quận 10 chia sẻ.•

Xử lý nhà không phép, sai phép ngay từ đầu

Dưới các bài viết “Mua nhà vi bằng, nguy cơ mất trắng”, “Mua nhà qua vi bằng: Mất tiền, gặp phiền”, “Vi bằng không có giá trị khi mua bán nhà đất”, bạn đọc đã có những bình luận mong muốn chính quyền địa phương không để tồn tại các công trình không phép, sai phép.

Nhiều người cứ nghĩ cái vi bằng là giấy tờ lận lưng làm bằng chứng trong việc mua bán nhà. Trong khi cái vi bằng nó có chứng nhận việc mua nhà đâu, nó chỉ ghi nhận việc chuyển tiền giữa các bên thôi, còn chuyển tiền làm gì thì không được nhắc tới. Làm cả đời để dành dụm được mớ tiền, lỡ mua mấy kiểu nhà này là bao nhiêu công sức trôi sông đổ bể sau mộtcưỡng chế. Biết kêuai cho thấu!” - bạn đọc Hải Hà.

“Chính quyền khi phát hiện ra mấy nhà xây không phép, sai phép là phải xử lý triệt để liền. Chỉ có cách đó mới không có mấy dãy nhà kiểu ba chung (chung giấy chứng nhận, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà), không lừa mị được mấy người mua nhà ít tiền mà mù mờ về pháp lý” - bạn đọc Hữu Kha.

“Người dân vì không có tiền nên mới chấp nhận rủi ro đi mua nhà. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước quản lý lỏng lẻo để cho các công trình xây không phép, sai phép tồn tại mà không xử lý ngay từ đầu mới dẫn tới hệ lụy như hôm nay” - bạn đọc Tri Phan.

“Có cung ắt có cầu, nếu ngay từ đầu không có công trình không phép, sai phép nào tồn tại thì người dân sẽ không mua được những căn nhà để mà khi vào ở rồi mới tá hỏa ra là sắp bị cưỡng chế” - bạn đọc Minh Anh.

NGUYỄN HIỀN - HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/bien-phap-ngan-chan-mua-nha-dat-qua-vi-bang-1051861.html