Biện pháp phòng, chống dịch tại vùng 2, 3 được phép nới lỏng đến đâu?

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, theo Chỉ thị 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về phân vùng để thực hiện các biện pháp phòng dịch, tại vùng 2,3, cùng với thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP cũng cho phép các quận, huyện, thị xã thuộc các vùng căn cứ vào tình hình thực tế của mình để tự quyết định áp dụng các biện pháp khác ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng...

Theo Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND TP Hà Nội, từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9, vùng 2, 3, của Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp khác cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp dịch bệnh của địa phương. Vậy khi thực hiện theo Chỉ thị 15, người dân được làm những gì, thưa luật sư?

- Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ là Chỉ thị được áp dụng cho các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid 19 ở mức tương đối, nghĩa là khả năng bùng phát dịch bệnh không cao nhưng cũng không thấp. Vùng 2 là vùng trong tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao; vùng 3 tức là vùng an toàn nhất của TP Hà Nội được áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị này.

Đặc biệt, vùng 3 chủ yếu là các huyện khu vực nông thôn hoặc đô thị có mật độ dân cư thấp. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp hoặc làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và kinh tế dịch vụ chưa phát triển cao. Với đặc điểm dân cư, kinh tế xã hội như vậy, vùng 3 được gọi là vùng xanh, là vùng an toàn nhất, có khả năng lây lan dịch bệnh thấp nhất trong 3 vùng của Hà Nội.

Chốt ''vùng xanh an toàn'' tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết

Chốt ''vùng xanh an toàn'' tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết

Theo Chỉ thị 15, người dân tại các phân khu "xanh" trong các vùng 2, 3 phải thực hiện các biện pháp chống dịch như sau: Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Bên cạnh đó, dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Hạn chế việc di chuyển của người dân từ địa phương thuộc vùng khác có nguy cơ cao hơn đến vùng này. Tạm dừng hoặc điều chỉnh lại các dịch vụ vận tải hành khách công cộng để tránh tập trung đông người trên các phương tiện vận tải.

Ngoài ra, trong các vùng này cũng có thể được áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt hơn tùy theo tình hình thực tế với nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch. Như vậy, các biện pháp theo Chỉ thị 15 mới ở mức tối thiểu cho "vùng xanh" và các địa phương, trong đó hoàn toàn có thể tự áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn nữa.

Vậy nên chăng, các cấp các ngành cần có hướng dẫn cụ thể hơn, thống nhất cho các địa phương trong thực hiện, tránh cùng là "vùng xanh", có sự tương đồng địa lý, dân cư... nhưng mỗi địa bàn lại đưa ra những phương án thực hiện khác nhau, nơi nới lỏng, nơi không, khiến dư luận thắc mắc, thưa luật sư?

- Nội dung Chỉ thị 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngoài nội dung viện dẫn từ Chỉ thị 15 của Thủ tướng ra thì các nội dung còn lại mang tính gợi mở cho các địa phương. Cho phép các quận, huyện, thị xã thuộc các vùng 2,3 căn cứ vào tình hình thực tế của mình để tự quyết định áp dụng các biện pháp khác ở mức cao hơn. Như vậy các địa phương cấp quận, huyện được quyền chủ động hơn mà không phải quá phụ thuộc vào TP. Tuy nhiên để tránh trường hợp cùng một vùng, có những yếu tố tương đồng trong phòng chống dịch, mà mỗi nơi áp dụng khác xa nhau, theo tôi cần thiết phải ban hành hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn cho các quận, huyện, thị xã áp dụng thống nhất.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Nội dung hướng dẫn là về áp dụng các biện pháp cao hơn nội dung Chỉ thị 15. Ví dụ trên địa bàn một xã, phường, thị trấn nếu xuất hiện ca mắc trong cộng đồng thì ngay lập tức phải áp dụng các biện pháp giãn cách ở mức cao hơn như cấm tập trung trên 5 người ngoài phạm vi công sở, không cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ mà chỉ cho bán mang về… Ngược lại, nếu trong quận, huyện, thị xã trong 14 ngày liên tục không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng thì phải nới lỏng một số biện pháp giãn cách để tạo thuận lợi cho người dân.

Theo luật sư, làm thế nào để có thể hạn chế được việc các địa phương được coi là "vùng xanh" lơ là, chủ quan trong thực hiện phòng, chống dịch?

- Theo tôi, để tránh cấp dưới chủ quan lơ là, chính quyền TP cần tăng cường chỉ đạo, giám sát và đặc biệt cần đặt ra trách nhiệm rõ ràng cho từng người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền mỗi quận, huyện, thị xã; mỗi quận, huyện, thị xã lại gắn trách nhiệm cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn. Ví dụ, nếu phát hiện tại địa bàn một phường có tình trạng người dân không tuân thủ quy định giãn cách như dịch vụ không thiết yếu (karaoke, massage, nhà hàng…) vẫn hoạt động lén lút thì trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường/xã như thế nào và Chủ tịch UBND quận/huyện sẽ bị xử lý ra sao?

Bên cạnh đó, cần mạnh tay xử lý các cán bộ chủ quan, thiếu trách nhiệm, lơ là trong chống dịch. TP nên sử dụng cả biện pháp xử lý kỷ luật và trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ ai vi phạm. Không thể để cấp trên triển khai xuống cấp dưới không nắm được hoặc không chịu thực hiện.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bien-phap-phong-chong-dich-tai-vung-2-3-duoc-phep-noi-long-den-dau-433887.html