Biện pháp tối ưu bảo vệ an ninh mạng

Theo kế hoạch, từ ngày 1/7, tất cả các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hơn 10 triệu đồng/lần hoặc lũy kế hơn 20 triệu đồng/ngày buộc phải xác thực sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ khi nhận được thông tin trên, ngay từ cuối tháng 6, nhiều người đã nỗ lực thực hiện kết nối kỹ thuật này. Tuy nhiên, có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện như hệ thống Internet Banking thường xuyên báo không khớp được gương mặt hoặc việc quét căn cước công dân có những người làm đến… 30 lần cũng không được.

Và ngày đầu tiên sử dụng sinh trắc học, ngày 1/7, hệ thống App, Internet Banking của ngân hàng đã có dấu hiệu quá tải.

Tổng Giám đốc của một ngân hàng đã cho biết: "Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng rằng, Face ID là dữ liệu về khuôn mặt được lưu ở trong điện thoại cá nhân và truyền kết quả xác thực đến ứng dụng ngân hàng, ví điện tử và không đảm bảo chính khách hàng đăng ký tài khoản là người thực hiện giao dịch.

Nhưng với việc xác thực dấu hiệu sinh trắc học bằng khuôn mặt (Face Biometric) theo Quyết định 2345 là để so khớp giữa khuôn mặt của người mở tài khoản và dữ liệu về khuôn mặt được lưu trữ trong căn cước công dân hoặc với dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an. Qua đó, giúp xác thực công dân có căn cước công dân đó có phải là chủ tài khoản thanh toán hay không”.

Còn theo các chuyên gia, bảo mật sinh trắc học được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo.

Theo đó, ngay cả khi kẻ gian dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài khoản thanh toán của khách hàng. Nhưng nếu không có các yếu tố sinh trắc học của chủ tài khoản thì kẻ gian cũng khó thực hiện việc chuyển tiền giá trị lớn sang các tài khoản khác.

Do đó, xác thực sinh trắc học không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng trước các chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng mà còn giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra.

Tuy nhiên, sinh trắc học có thực sự là “bức tường lửa” để ngăn lừa đảo hay không khi mà đa phần các vụ lừa đảo trực tuyến lại do chính người dân, chủ tài khoản trực tiếp chuyển tiền cho các đối tượng xấu. Có lẽ, để nó trở thành tối ưu, cũng còn thêm nhiều biện pháp khác nữa, kể cả quy định thật nghiêm khắc với việc bảo mật thông tin khách hàng của chính ngân hàng và nhà mạng!

Gia Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bien-phap-toi-uu-bao-ve-an-ninh-mang-386612.html