Biến rác thải thành phân hữu cơ

Luôn đổi mới, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, anh Đỗ Văn Phúc (Phuc's Hoya Garden) ở thôn Bình Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật làm chế phẩm sinh học IMO gốc để chăm sóc hoa cẩm cù. Mô hình vừa tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón hữu cơ vừa góp phần bảo vệ môi trường. Từ nguyên liệu sẵn có là các phụ phẩm nông nghiệp như trái cây hư, rác thải hữu cơ… anh Phúc đã sản xuất thành công men giống IMO4 tại nhà.

Sản xuất men gốc IMO4 nhân bản

Trong quả chuối có rất nhiều chất dinh dưỡng như: Vitamin nhóm B, C, Carbohydrate, canxi, natri, kali, các chất trung, vi lượng phong phú và một số hóc-môn kích thích sinh trưởng rễ, thân, lá… nên dịch chuối trở thành một loại phân bón giúp cây sinh trưởng và phát triển xanh tốt. Anh Phúc cho biết, với các nguyên liệu gồm chuối chín xay nhuyễn trộn chung với sữa chua, đường, men giống đa chủng theo tỷ lệ phù hợp là có thành phẩm dịch chuối.

Dùng các nguyên liệu gồm chuối chín xay nhuyễn trộn với sữa chua, đường, men giống đa chủng... anh Phúc tạo ra sản phẩm dịch chuối làm phân bón cho cây trồng

Dùng các nguyên liệu gồm chuối chín xay nhuyễn trộn với sữa chua, đường, men giống đa chủng... anh Phúc tạo ra sản phẩm dịch chuối làm phân bón cho cây trồng

Dịch chuối chỉ sau 48 giờ ủ trong điều kiện nhiệt độ bình thường thì thu được men nước IMO4. Trung bình 1 lít men nước IMO4 có thể pha với 1.000 lít nước để xịt và tưới cho các loại cây trồng. Chế phẩm này được coi là “thần dược” cho các loại hoa và cây ăn trái. Theo anh Phúc, từ chủng ban đầu có thể nhân bản lên số lượng lớn chỉ sau 48 giờ bằng cách thêm nguyên liệu, nước...

Hơn 3 năm qua, để có nguồn phân vi sinh dồi dào chăm sóc vườn hoa cẩm cù rộng 0,7 ha, anh Phúc còn làm men giống IMO4 dạng khô. Anh Phúc chia sẻ, từ dạng men nước chỉ cần thêm cám gạo và bột năng cho sệt, sau đó phơi khô là có thành phẩm IMO4 khô. Khi sử dụng thì hòa tan với nước là có thể phun để chăm sóc các loại cây trồng. Hiện anh Phúc áp dụng hiệu quả phương pháp vi sinh bản địa IMO gốc làm phân bón chăm sóc vườn hoa cẩm cù, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Dự án trồng hoa cẩm cù điểm khác biệt là sử dụng phân bón vi sinh tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Từ đó được nhiều khách hàng đón nhận và họ sẽ làm quen với việc ứng dụng vi sinh vào trồng cây, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng xã hội.

Anh Ðỗ Văn Phúc thôn Bình Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập

Tiết kiệm chi phí, nâng chất sản phẩm

Trước đây, gia đình anh Phúc phải tốn vài chục triệu đồng/năm để mua phân bón chăm sóc vườn hoa cẩm cù, nhưng từ khi sản xuất IMO4 và nhân bản lên thành IMO6, IMO8 thì chi phí đầu tư rất thấp, chỉ từ vài trăm ngàn đồng. Đặc biệt, từ men giống, anh có thể xử lý các loại rác thải trong sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để phun cho vườn hoa cẩm cù. Việc làm này vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo ra nguồn phân hữu cơ dồi dào chăm sóc cây trồng.

Anh Phúc cho biết, diện tích 0,7 ha với hơn 130 ngàn cây giống và hơn 20 ngàn chậu cây thành phẩm cần nguồn phân, chất trồng, thuốc bảo vệ thực vật rất lớn. Áp dụng phương pháp vi sinh đã đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí. Cụ thể, 1 tấn chuối mua ở các trang trại chưa tới 1 triệu đồng nhưng có thể sử dụng được quả, vỏ chuối để làm ra những sản phẩm dịch chuối cao cấp. 1 lít dịch chuối pha với 1.000 lít nước phun từ 1-2 lần/tuần rất tốt cho vườn hoa cẩm cù.

Ngoài ra, anh Phúc còn tận dụng vỏ chuối cho thêm vi sinh để làm phân bón vườn cây ăn trái, cây công nghiệp. Đặc biệt, từ nguồn vi sinh, anh Phúc dùng ủ phân bò cho trùn quế ăn. Đây là nguồn thức ăn tốt cho trùn quế và phân trùn rất thích hợp bón các loại cây trồng.

Trung bình 1 lít men nước IMO4 có thể pha với 1.000 lít nước để xịt và tưới cho các loại cây trồng

Vườn hoa cẩm cù Phuc’s Hoya Garden cho hoa đẹp, chất lượng nhờ chăm sóc từ các loại vi sinh hữu cơ

Ông Nguyễn Đình Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Minh cho biết: Mô hình kinh tế của anh Phúc đang phát huy hiệu quả. Từ các loại rác thải hữu cơ xử lý thành phân bón chăm sóc vườn hoa cẩm cù vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi đánh giá cao cách làm của anh Phúc và chọn là điển hình để hội viên nông dân trong xã tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm phân vi sinh.

Ngọc Quế

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/164401/bien-rac-thaithanh-phan-huu-co