Biển Sầm Sơn 'chia đôi' bên xanh ngắt, bên vàng đục, chính quyền nói lý do
Hình ảnh biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) có hai màu nước đối lập, một bên màu xanh, một bên vàng đục đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút du khách quan tâm.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video về hiện tượng biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện hai màu đối lập, được phân chia rõ rệt: một bên màu xanh và một bên màu vàng đục.
Theo tìm hiểu, đoạn clip này được ghi lại bởi anh Nguyễn Khánh Lân, sinh sống tại phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn. Anh Lân cho biết, video được anh ghi lại vào khoảng 11h ngày 22/6, và kéo dài đến khoảng 14h cùng ngày.
Theo nhiều người dân Sầm Sơn, hiện tượng này không phải bất thường, mà vẫn hay xảy ra.
Video được anh Lân ghi lại (Nguồn: Pháp Lân)
Nguyên nhân của hiện tượng trên là do trời mưa to, nước ở thượng nguồn cuốn theo phù sa chảy xuống các cửa lạch ra biển tạo nên hai vệt nước đối lập nhau.
Anh Lân cho biết, sáng 22/6, khi đang sử dụng flycam để ghi hình khu vực xung quanh nhà thì anh phát hiện ngoài biển có màu nước khác lạ. Anh Lân lập tức dùng thiết bị để ghi lại.
"Tôi từng xem trên tivi hiện tượng này ở nhiều nơi. Ở Sầm Sơn tôi cũng từng chứng kiến một vài lần hai màu nước phân chia giữa biển nhưng thường cắt ngang biển chứ không cắt dọc từ bãi cát ra xa như vậy. Màu sắc cũng đối lập rõ rệt", anh Lân cho biết.
Anh Lâm rất bất ngờ khi hình ảnh này được sự quan tâm của mọi người. "Nhiều người cho rằng đó là hiện tượng lạ, nhưng những người dân vùng biển thì nói đó là hiện tượng bình thường sau những trận mưa to”, anh Lân nói thêm.
Cũng theo anh Lân, thời điểm anh ghi hình cũng có rất nhiều du khách tắm biển, rất thích thú chụp ảnh làm kỷ niệm.
Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Quốc Đạt, Phó chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, hiện tượng nước biển đối lập nhau ở Sầm Sơn không phải là bất thường, vào mùa mưa hiện tượng này vẫn thường xuyên xảy ra.
"Nước biển Sầm Sơn vốn dĩ rất trong xanh. Trước khi có hiện tượng nước đổi màu đục vàng là do buổi tối trước đó trên địa bàn Thanh Hóa có mưa to, nước ở thượng nguồn sông Mã chảy xuống mang theo phù sa, khi đổ ra biển gặp phải nước trong xanh của biển tạo thành vệt đối lập nhau như vậy", ông Đạt cho biết.