Biến thách thức thành cơ hội

Nếu như trước đây, thị trường xuất khẩu cá tra phi-lê của Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc, sau đó đến Mỹ. Thế nhưng, bắt đầu từ những tháng đầu năm 2019, Liên hiệp châu Âu (EU) đã vượt qua Mỹ, chiếm vị trí thứ hai về xuất khẩu cá tra phi - lê của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 300 triệu USD.

Nếu như trước đây, thị trường xuất khẩu cá tra phi-lê của Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc, sau đó đến Mỹ. Thế nhưng, bắt đầu từ những tháng đầu năm 2019, Liên hiệp châu Âu (EU) đã vượt qua Mỹ, chiếm vị trí thứ hai về xuất khẩu cá tra phi - lê của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 300 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy từ trước khi có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế tại thị trường này với số lượng hàng hóa xuất khẩu mỗi năm đều tăng thêm. Và khi EVFTA chính thức đi vào thực thi, nhiều cơ hội mới lớn hơn sẽ mở cho các ngành hàng, chứ không chỉ riêng ngành hàng cá tra của Việt Nam. Bên cạnh những ưu đãi về thuế lớn chưa từng có, các quy định trong EVFTA còn giúp DN Việt Nam tránh được nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan. Nếu tận dụng tốt, khả năng phát triển sản xuất trong nước hướng tới xuất khẩu sẽ hiệu quả và nhiều tiềm năng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, cũng có không ít thách thức các DN Việt Nam cần phải lưu tâm. Trước hết là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU. Việc đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm mới chỉ là bước cơ bản nhất, để giao dịch, trao đổi thành công còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Điểm tiếp xúc đầu tiên là trang điện tử, các tài liệu ma-két-tinh sử dụng mạng xã hội..., xa hơn là đội ngũ bán hàng với năng lực ngôn ngữ, phong cách làm việc, hiểu biết về pháp luật, văn hóa. Những nhân tố tuy vô hình này thực ra lại đóng vai trò hết sức quan trọng, để có thể cạnh tranh. Ở EU, hầu hết đội ngũ cán bộ mua hàng của DN đều sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, rất chuyên nghiệp. Trong khi đó, các DN Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng cách cần hoàn thiện so với các đối thủ cạnh tranh đến từ các nước trên thế giới về phong cách làm việc và giao dịch với khách hàng châu Âu. Bên cạnh đó, EU là một thị trường lớn nhưng cũng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường,... trong khi không phải DN nào cũng đáp ứng được các yêu cầu này.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết EVFTA, các DN phải đáp ứng được các quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ,...; các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, từ góc độ kinh doanh, hoàn toàn nên nhìn nhận những thách thức nêu trên đều là cơ hội để các DN, ngành hàng nỗ lực phân tích, tìm hiểu để nắm bắt và khắc phục, từ đó có thể tận dụng ngay lợi thế của hiệp định, đồng thời hóa giải những áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/bien-thach-thuc-thanh-co-hoi--614358/