Biến thể Omicron có khả năng tái nhiễm cao gấp 5 lần biến thể Delta

Một biển báo yêu cầu người dân đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19 tại London (Anh), ngày 9/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao gấp 5 lần so với biến thể Delta, và không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể này có thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta.

Đây là kết quả nghiên cứu mà Đại học Hoàng gia London (ICL) vừa công bố trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang gia tăng trên khắp châu Âu có thể khiến các lễ hội cuối năm phải hủy bỏ.

ICL đã phân tích dữ liệu của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) và Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) đối với 330.000 người có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với virus SARS-CoV-2 ở vùng England từ ngày 29/11 đến ngày 11/12, trong đó có 122.062 ca nhiễm Delta và 1.846 ca nhiễm Omicron.

Kết quả cho thấy nguy cơ nhập viện và các triệu chứng biểu hiện của Omicron không khác nhiều so với Delta, mặt dù dữ liệu nhập viện vẫn còn rất hạn chế. Thậm chí, Omicron có thể gây tái nhiễm cao gấp 5,4 lần so với Delta. Theo ICL, tỉ lệ những người từng mắc COVID-19 có thể tránh được nguy cơ tái nhiễm Omicron là dưới 19%, song nghiên cứu này chưa được thẩm định.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ những người đã tiêm mũi 2 vắc xin ngừa COVID-19 hoặc đã tiêm mũi tăng cường từ 2 tuần trở lên mắc Omicron có biểu hiệu triệu chứng tăng đáng kể so với Delta. Dựa trên đánh giá hiệu quả của vắc xin đối với việc nhiễm Delta có biểu hiện triệu chứng, nghiên cứu kết luận hiệu quả bảo vệ của vắc xin sau 2 mũi tiêm là từ 0-20% và sau mũi tăng cường là từ 55-80%.

Giáo sư Neil Ferguson, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng về việc Omicron có thể tránh được khả năng miễn dịch trước đó do đã lây nhiễm hoặc đã tiêm phòng. Theo ông, khả năng "né tránh" miễn dịch này cho thấy Omicron có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với cộng đồng.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Clive Dix, cựu Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm vắc xin của Vương quốc Anh, cho rằng kết luận này được đưa ra dựa trên các giả định về Omicron, song vẫn chưa có đủ dữ liệu, ví dụ như vẫn chưa rõ phản ứng miễn dịch tế bào, vốn có thể đang thúc đẩy hiệu quả của vắc xin. Bên cạnh đó, một số kết luận của nghiên cứu khác với dữ liệu thu được từ Nam Phi - vốn cho thấy vắc xin có thể chống lại bệnh nặng và tử vong.

Tiến sĩ Clive Dix nêu rõ có quá nhiều sự không chắc chắn trong các đánh giá mô hình này và chỉ có thể tin tưởng hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm tăng cường trước sự tấn công của Omicron khi có thêm 1 tháng dữ liệu thực tế về số bệnh nhân phải điều trị tích cực và tử vong.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ cho rằng một số xét nghiệm nhanh có thể không phát hiện được biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Trả lời phỏng vấn của Phòng Thương mại Mỹ, Tiến sĩ Fauci cho biết đã nhận được thông tin sơ bộ về việc không phải tất cả xét nghiệm đều cho kết quả chính xác đối với Omicron. Theo ông, đa số các ca nhiễm hiện nay ở Mỹ vẫn là do biến thể Delta, song biến thể mới Omicron - vốn được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn so với Delta, cũng đang gây nhiều thách thức.

Khi được Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Suzanne Clark hỏi về việc liệu các xét nghiệm nhanh có cho kết quả chính xác về Omicron như PCR hay không, Tiến sĩ Fauci cho rằng một số và nhiều loại thường được sử dụng có thể phát hiện Omicron khá tốt, song cũng có những loại không cho kết quả chính xác.

Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực xác định những loại xét nghiệm không cho kết quả chính xác đối với Omicron. Biến thể Omicron đang "gióng hồi chuông báo động" đối với nhà chức trách Mỹ, khi biến thể này đã xuất hiện tại 38 bang và tỉ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 riêng tại TP New York đã tăng gấp đôi chỉ trong 3 ngày.

Riêng trong ngày 17/12, bang New York ghi nhận tới 21.027 ca nhiễm mới - mức cao chưa từng thấy, dù bang này từng là "tâm dịch" của thế giới trong suốt nhiều tháng của năm 2020. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Fauci, hầu hết các ca nhiễm mới tại Mỹ hiện nay không phải do sự lây lan của Omicron mà là do biến thể Delta. Theo ông, hơn 90%, thậm chí có thể là khoảng 95% số ca mắc mới tại 46 bang là do sự lây lan của biến thể Delta.

Tiến sĩ Fauci cũng cho rằng nước Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn. Số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm phần lớn trong suốt mùa Thu và bắt đầu chững lại vào cuối tháng 10, song từ đầu tháng 11, số ca mắc mới đã tăng trở lại.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ một lần nữa nhắc lại biện pháp tốt nhất để bảo vệ con người trước làn sóng tấn công mới nhất của dịch bệnh là tiêm chủng và với sự xuất hiện của Omicron, người dân cần tiêm mũi tăng cường - được cho là "tấm khiên" quan trọng giúp ngăn chặn sự tấn công của biến thể mới. Ông nêu rõ những người rất dễ bị tổn thương trên bản đồ dịch bệnh hiện nay chủ yếu là những người chưa tiêm phòng.

Trong khi đó, Đức ngày 17/12 đã đưa Pháp và Đan Mạch vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, theo đó sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh từ hai nước này.

Theo quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/12, người chưa tiêm chủng hoặc người chưa có kháng thể virus SARS-CoV-2 do mắc bệnh trước đó, từ những nước có nguy cơ cao khi nhập cảnh vào Đức sẽ phải cách ly và có thể phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 ở ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh. Ngoài Pháp và Đan Mạch, quy định này cũng sẽ được áp dụng với các nước Na Uy, Libăng và Andorra.

Do sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo quốc gia châu Âu này sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 5. Ông nhấn mạnh Đức cần chuẩn bị ứng phó với thách thức lớn chưa từng có từ Omicron ngay cả khi biến thể này không nguy hiểm như Delta, mà chỉ gây triệu chứng bệnh nhẹ.

Sau khi chứng kiến số ca nhiễm mới liên tục tăng, Đức đã tái áp đặt các hạn chế, như cấm người chưa tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đến nhà hàng, các các cơ sở cung cấp dịch vụ không thiết yếu. Nhờ đó, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày đã giảm nhẹ, song sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron đang đe dọa đẩy số ca nhiễm mới tăng cao trở lại.

Tại Hà Lan, truyền thông nước này đưa tin các chuyên gia y tế đã khuyến nghị chính phủ Hà Lan tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để khống chế làn sóng dịch bệnh hiện nay. Nội dung chi tiết các biện pháp chưa được công bố và còn chờ quyết định của chính phủ nước này. Chia sẻ với báo giới bên ngoài nơi diễn ra cuộc họp nội các vào sáng 17/12, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tốc độ lây lan nhanh chóng của Omicron.

Dự kiến, chính phủ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ nhóm họp với các chuyên gia y tế trong ngày 18/12 bàn về các biện pháp cụ thể thể phòng chống dịch, trước khi công bố chính thức. Theo dự báo của ông Rutt, biến thể Omicron sẽ chiếm đa số ca các ca nhiễm mới tại Hà Lan vào tháng 1/2022.

Ngày 17/12, Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo Tổng thống Emmanuel Macron đã hủy chuyến thăm tới Mali có mục đích thăm binh sĩ Pháp đang đồn trú tại nước này, để tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong nước.

Theo nhận định của Thủ tướng Pháp Jean Castex, nhiều khả năng số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ gia tăng nhanh chóng tại châu Âu và có thể trở thành biến thể chủ đạo trong số các ca mắc mới COVID-19 tại Pháp kể từ đầu năm 2022.

Ông Castex nhấn mạnh thêm rằng dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron, nhưng biến thể mới này dường như không nguy hiểm hơn biến thể Delta và các dữ liệu hiện có cho thấy việc tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19 cũng như các mũi tiêm tăng cường giúp tạo "lá chắn" hiệu quả phòng ngừa các triệu chứng nặng.

Thủ tướng Castex cho biết thêm người dân sẽ đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 sau 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ hai, giảm một tháng so với quy định ban đầu. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ chính phủ nước này sẽ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết tình trạng do dự về việc tiêm vắc xin kể từ năm tới.

Bộ Y tế Ai Cập ngày 17/12 thông báo nước này đã ghi nhận 3 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo thông báo của Bộ trên, 2 ca nhiễm biến thể Omicron hiện không có bất kỳ triệu chứng nào, trong khi trường hợp thứ 3 có triệu chứng nhẹ.

Số liệu trên trang thống kê worldmeters.info cho thấy Ai Cập ghi nhận thêm 910 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 17/12, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 373.509 ca. Ngoài ra, với thêm 43 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này hiện là 21.277 ca.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau bày tỏ quan ngại về tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh, trong khi đó một quan chức y tế cấp cao của nước này cảnh báo hệ thống y tế tại đây sẽ lâm vào tình trạng quá tải.

Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: "Tôi hiểu rằng số ca mắc mới cao kỷ lục ghi nhận tại nhiều khu vực của đất nước thật đáng sợ, nhưng tôi tin tưởng chúng ta có thể vượt qua giai đoạn này”. Nhà lãnh đạo Canada cũng kêu gọi người dân trên cả nước tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và đảm bảo giữ khoảng cách an toàn nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268779/bien-the-omicron-co-kha-nang-tai-nhiem-cao-gap-5-lan-bien-the-delta.html