Biến thể 'Omicron tàng hình' lây lan nhanh, chiếm 1/5 ca nhiễm mới toàn cầu
Biến thể phụ BA.2 của Omicron còn gọi là 'biến thể tàng hình' đang lây lan nhanh chóng, chiếm khoảng 1/5 số ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn cầu, theo WHO.
Ngày 17/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo mới về biến thể phụ BA.2 của Omicron cho thấy chủng virus này chiếm 21,5% trong tổng số các trường hợp mắc Omicron mới được phân tích trên toàn thế giới trong tuần đầu tiên của tháng 2. Trong khi đó, Omicron chiếm đại đa số các ca nhiễm trên toàn cầu, với 98,3% các mẫu đã giải trình tự gien được gửi đến trung tâm chia sẻ dữ liệu GISAID trong 30 ngày qua.
Tính đến ngày 15/2, BA.2 – còn được gọi là "Omicron tàng hình" - chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới ở 10 quốc gia bao gồm Đan Mạch, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Brunei, Guam, Montenegro, Nepal, Pakistan và Philippines. Tuy nhiên, báo cáo của WHO lưu ý rằng có sự khác biệt lớn trên phạm vi rộng khắp toàn cầu, trong đó "khu vực Đông Nam Á báo cáo tỷ lệ lưu hành BA.2 cao nhất trong số các trình tự gien Omicron (44,7%) và Châu Mỹ báo cáo tỷ lệ hiện mắc thấp nhất (1%)."
Đó là một tin tốt cho Mỹ, nơi hầu hết các bang đang gỡ bỏ các hạn chế sau làn sóng Omicron mùa Đông vừa qua. Tại đây, mức độ phổ biến của biến chủng phụ BA.2 đã tăng gấp ba lần từ 1,2% trong tuần kết thúc vào ngày 29/1/2022 lên 3,6% trong tuần kết thúc vào ngày 5/2/2022, nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số các ca mắc mới.
Ngược lại, tỷ lệ lưu hành của chủng Omicron mới ở Nam Phi đã tăng rất mạnh từ 27% vào ngày 4/2 lên 86% vào ngày 11/2. Ở Anh, tỷ lệ nhiễm “Omicron tàng hình” tăng gấp 6 lần từ ngày 17-31/1, từ 2,2% lên 12%. Đan Mạch đã chứng kiến số ca mắc BA.2 tăng gấp đôi từ tuần cuối cùng của năm 2021 đến giữa tháng 1/2022, từ 20% lên 45%. BA.2 trở thành biến thể thống trị ở Đan Mạch từ tuần thứ ba của tháng 1/2021, với 66% các mẫu được giải trình tự gien.
Một báo cáo vào cuối tháng 1 từ Viện Huyết thanh Statens, hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế Hà Lan, cho thấy rằng BA.2 có thể sẽ chiếm “gần 100% tất cả các trường hợp mắc COVID-19 mới vào giữa tháng 2/2022”. Báo cáo cũng cho thấy rằng “Omicron tàng hình” có thể lây truyền nhanh hơn gần 30% so với Omicron gốc (B.A1). "Do đó, sự gia tăng nhanh chóng của BA.2 có thể dẫn đến một đường cong dịch bệnh dốc hơn với đỉnh cao hơn và có thể trì hoãn thời gian mà tỷ lệ lây giảm cho đến tháng 2” – báo cáo nhận định.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong những cơ quan quan trọng đầu tiên nêu lên mối quan tâm về chủng virus mới, đã lập một biểu đồ phác thảo đánh giá hiện tại về BA.2, cho thấy sự khác biệt thực sự của nó so với các biến thể khác chủ yếu nằm ở khả năng lây truyền.
Hiện tại, lý do cho sự khác biệt về tỷ lệ lây lan của Omicron giữa các quốc gia là không rõ ràng. Báo cáo của WHO cho biết: “Sự khác biệt về khả năng lây nhiễm tiềm tàng giữa các quốc gia có thể liên quan đến sự khác biệt về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng và mô hình tiếp xúc do các quy định hạn chế, mật độ dân số, v.v.”.
Đan Mạch gần đây đã bỏ gần như tất cả các hạn chế phòng COVID-19, nhưng công dân của họ được tiêm chủng ở mức độ rất cao, hơn 80% theo Đại học Johns Hopkins. Trong khi đó, chỉ có 65% công dân Mỹ đã tiêm chủng. Tuy nhiên, nước Mỹ lại không chứng kiến sự tăng đột biến Omicron phụ như Đan Mạch dù đang dỡ bỏ rộng rãi các hạn chế về đeo khẩu trang. Trong khi đó Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được xác định và nơi BA.2 hiện đang chiếm ưu thế, chỉ có 29% dân số được tiêm chủng đầy đủ, và người dân vẫn phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà.
Biến thể phụ “Omicron tàng hình” đã gây ra một bước ngoặt khác trong đại dịch khi nó dường như lây lan nhanh hơn bất kỳ phiên bản nào khác của COVID-19 cho đến nay. Tin tốt là các loại vaccine hiện tại vẫn có khả năng bảo vệ chống lại biến thể này.
Biến thể Omicron gốc, mà các nhà khoa học gọi là BA.1 hoặc B.1.1.529, cho đến gần đây là phiên bản dễ lây truyền nhất được biết đến của SARS-CoV-2. Ở nhiều quốc gia, nó gây ra một số đỉnh dốc nhất và cao nhất về ca nhiễm mới. Nhưng hiện tại “hậu duệ” của BA.1, được gọi là BA.2, còn lây lan nhanh hơn và có thể sớm trở thành phiên bản thống trị của virus.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể phụ đã xuất hiện ở ít nhất 69 quốc gia. Mặc dù nó không đủ khác biệt để được phân loại là một biến thể hoàn toàn mới với tên tiếng Hy Lạp riêng, nhưng BA.2 có khoảng 20 đột biến làm cho nó khác biệt với BA.1. Điều phức tạp là nó không chứa đột biến phân biệt Omicron với các biến thể khác trong các xét nghiệm PCR, vì vậy khó phân biệt BA.2 với Delta hơn. Đó là lý do tại sao một số nhà nghiên cứu đã mô tả BA.2 là “Omicron tàng hình”.
Đến nay các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra lý do cho sự lây truyền nhanh của BA.2. Họ nghi ngờ nhiều đột biến của BA.2 nằm trong các phần của virus mà hệ miễn dịch thường “thích” nhắm đến, vì vậy những thay đổi ngụy trang các vùng đó có thể cho phép mầm bệnh thoát khỏi sự phát hiện.
Tuy nhiên, không rõ liệu BA.2 có đủ khác biệt để gây ra tái nhiễm ở những người đã bị nhiễm BA.1 hay không. Nói cách khác, nếu bạn bị nhiễm biến thể Omicron ban đầu, các nhà khoa học không biết liệu sau đó bạn có thể nhiễm biến thể phụ Omicron hay không.