Biếng ăn ở trẻ có đáng lo ngại?
ĐTO - Trẻ lười ăn, biếng ăn luôn là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ. Vấn đề này có thể phát sinh do vô vàn nguyên nhân. Trẻ biếng ăn thường hay ốm vặt, chậm lớn, suy dinh dưỡng vì không đủ dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể; dần dần sẽ hình thành thói quen không muốn ăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Để cải thiện tình trạng này, các bậc cha, mẹ cần nắm được những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, từ đó có những biện pháp khắc phục hiệu quả.
Để biết trẻ có biếng ăn hay không, chúng ta cần biết, biếng ăn ở trẻ em là tình trạng trẻ từ chối ăn, ăn ít hơn 60% nhu cầu khuyến nghị của lứa tuổi, có dấu hiệu thiếu chất dinh dưỡng (suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng) hoặc ăn không đa dạng thực phẩm (ăn được rất ít loại thực phẩm). Quá trình này diễn ra trong vòng 1 tháng trở lên dẫn tới trẻ không tăng trưởng, kém tăng trưởng và thời gian ăn kéo dài trên 30 phút/bữa.
Có rất nhiều nguyên nhân biếng ăn ở trẻ, có thể do bệnh lý ảnh hưởng tới khả năng ăn của trẻ như: bệnh lý cấp tính, mạn tính do nhiễm khuẩn, nhiễm vi-rút, nhiễm ký sinh trùng, bệnh hô hấp, tiêu hóa, răng miệng... Bên cạnh, còn có thể do chế độ ăn với khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột, nhiều rau củ hoặc quá nhiều đạm, chọn thức ăn bổ sung chưa hợp lý và chế biến sai cách, gia đình cho ăn quá sớm hoặc quá trễ theo khuyến nghị. Khi thiếu vitamin và các vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và hấp thu thức ăn như: thiếu vitamin C, vitamin nhóm B, thiếu sắt, thiếu magesi, đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ rất biếng ăn. Ngoài ra, còn do nguyên nhân về tâm lý trẻ, hoặc trẻ ít được cha mẹ quan tâm chăm sóc, trẻ có xu hướng ít vận động cũng sẽ dẫn tới biếng ăn.
Để giúp trẻ khắc phục hiệu quả chứng biếng ăn, cha mẹ cần có thái độ tích cực và không ép buộc, đồng thời cần xác định đúng nguyên nhân. Nếu trẻ có bệnh lý dẫn tới khả năng ăn của trẻ bị giảm sút, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị tại các Trung tâm Y tế, khi trẻ khỏe mạnh thì sẽ dần có cảm giác thèm ăn trở lại. Bên cạnh đó, gia đình cần tạo môi trường ăn ngon miệng, chế độ ăn đa dạng, thực hiện lịch trình ăn cố định và thời gian ăn mỗi bữa hợp lý, không dùng thức ăn nhẹ (snack) quá mức, không sử dụng thức ăn như phần thưởng hoặc trừng phạt.
Khi đã loại trừ được nguyên nhân bệnh lý, gia đình có thể nghĩ đến nguyên nhân về thiếu hụt dinh dưỡng. Từ đó, gia đình cần quan tâm đến tình hình cung cấp dinh dưỡng cho trẻ, nếu trẻ còn bú mẹ thì cho trẻ bú mẹ nhiều lần hơn, lượng và loại thức ăn của trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã ăn bổ sung cần đa dạng và chú trọng sử dụng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trong khẩu phần ăn; cho trẻ uống đủ nước (có thể bao gồm cả nước quả tươi..), ăn thêm quả chín để cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cho trẻ. Nếu trẻ không thích ăn hỗn hợp, có thể tách riêng thức ăn và ăn riêng, tập cho trẻ ăn thô sớm để trẻ nhận biết loại thực phẩm và tạo sự hứng thú khi ăn; tránh xay nhuyễn thức ăn trong thời gian dài vì sẽ không kích thích khẩu vị ăn tốt cho trẻ.
Cha mẹ cần bình tĩnh và kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân trẻ không chịu ăn, cần tránh các hành vi ép buộc trẻ ăn; nên động viên khuyến khích, tạo tâm lý thoải mái trong giờ ăn của trẻ. Từ lúc trẻ tập ăn dặm, người chăm sóc trẻ cần tập những thói quen ăn uống hàng ngày như: bữa ăn không được kéo quá dài: tối đa 30 phút/bữa, không cho xem ti vi, điện thoại, hình, internet... Ngoài ra, cũng rất cần thiết khuyến khích trẻ vận động thể lực, thể dục; không dùng việc ăn của trẻ để thưởng, phạt.
Cha mẹ có thể hỗ trợ thêm cho trẻ bằng cách bổ sung men enzyme hoặc men vi sinh. Trẻ biếng ăn kéo dài, trong trường hợp cần thiết hoặc được bác sĩ chỉ định thì cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ vitamin và khoáng chất để giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ... Bên cạnh đó, đừng quên tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/bieng-an-o-tre-co-dang-lo-ngai--125646.aspx