Biệt điện Bảo Đại: Địa danh văn hóa, lịch sử nổi tiếng
Đây cũng là chứng nhân cho sự thay đổi lịch sử của vùng đất Buôn Ma Thuột...
Ngược dòng lịch sử
Nơi đây trước năm 1905 là nhà hàng Maison Lefévre, năm 1914 xây dựng làm Tòa đại lý quận trưởng, đến năm 1926 được cải tạo và xây dựng thành tòa nhà như hiện nay và được gọi là Tòa Công sứ, theo dân địa phương gọi là Sang Ae Prong (Nhà ông lớn). Năm 1950, nơi này được chọn làm khu nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại và tên Biệt điện Bảo Đại được ra đời từ đây.
Khuôn viên và kiến trúc độc đáo
Khuôn viên Biệt điện rộng gần 7ha với đa dạng nhiều loại cây, hoa trồng xung quanh và đặc biệt là 2 cây đại thụ (long não) hơn trăm năm tuổi cao gần 30m với thân dáng xòe rộng nằm hai bên lối vào như 2 chiếc lọng lớn tạo bóng mát quanh năm.
Từ cổng ngoài khuôn viên đi vào khoảng 200m là tòa Biệt điện rộng hơn 2.000m2 nằm trên một cồn đất nhân tạo chính giữa khuôn viên cao gần 2m so với mặt đất và được kè đá vững chắc.
Bậc tam cấp lên tòa Biệt điện được thiết kế cao dần vào phía trong, tạo cảm giác nhẹ nhàng, sảng khoái như đang dạo bước trên ngọn đồi thoai thoải.
Với diện tích rộng về chiều ngang, kiến trúc Biệt điện trở nên có hình dáng như ngôi Nhà dài truyền thống của dân tộc Ê Đê với sàn gỗ, mái nhọn. Tuy nhiên, với tường nhà và cột trụ được dựng lên bằng bê tông và sơn vàng rực rỡ kết hợp hài hòa với lối kiến trúc đơn sơ mộc mạc ngôi Nhà dài truyền thống, chất cổ điển của núi rừng Tây Nguyên kết hợp sự tinh tế hiện đại trong kiến trúc châu Âu thời bấy giờ đã tạo nên một Biệt điện độc đáo và ấn tượng.
Không gian bày trí nhã nhặn đầy hoài niệm
Bước lên những nấc thang cửa chính tòa Biệt điện chính là phòng khách, bên phải là phòng làm việc, phòng ngủ, bên trái là phòng họp của vua Bảo Đại.
Phòng khách là nơi trưng bày nhiều kỷ vật có giá trị văn hóa lịch sử cùng với hai bức ảnh chân dung vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, bàn ghế tiếp khách, các chứng tích và hình ảnh vua Bảo Đại đi săn bắn.
Phòng làm việc gồm nhiều di vật như bàn ghế làm việc, trên đó có điện thoại, 2 hàng quốc kỳ của các nước, khung kệ để vật dụng với nơi cao nhất là di ảnh vị vua sáng lập ra triều Nguyễn đó là hoàng đế Gia Long, bên dưới có pho tượng vua Khải Định (cha vua Bảo Đại) và hình ảnh tư liệu và di vật trong thời kỳ làm việc khi còn tại vị.
Phòng ngủ với chiếc giường và bộ bàn ghế nhỏ được bày trí đơn giản với 2 bức ảnh vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đã đượm màu thời gian, khiến các du khách tham quan không tránh khỏi bồi hồi.
Phòng họp được bày trí sang trọng với chiếc bàn bằng gõ dài có hai hàng quốc kỳ hai bên. Đây là nơi vua Bảo Đại tiếp đón và nghị sự với công sứ các nước, trên tường là bản đồ Việt Nam được khảm xà cừ với 4 chữ “Độc Lập - Tự Do” trên nền gỗ gõ đen bóng kết hợp với chiếc trống đồng tạo nên một không gian hài hòa nhưng không kém phần uy nghiêm.
Đi xuống theo lối cầu thang là nhà bếp, phòng ăn, hầm rượu và bước ra là mặt sau Biệt điện cũng là khuôn viên rộng lớn với nhiều cây đại thụ tạo bóng mát quanh năm cho tòa nhà.
Đỗ Trọng Danh (Giảng viên Trường đại học Hoa Sen - khoa Kinh tế Quản trị - ngành Digital Marketing)