Biệt động Sài Gòn - Bài 1: Đội quân 'xuất quỷ nhập thần'
Biệt động Sài Gòn là một trong những lực lượng đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Đêm 30, rạng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng 2 Tết), 12 chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6h ngày 31/1, 10 người hy sinh, 2 chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Lực lượng này chiến đấu trực tiếp trong lòng địch, hoạt động chủ yếu trong đô thị, nơi có sự hiện diện mạnh mẽ của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Bằng sự mưu trí, dũng cảm và những cách đánh độc đáo, sáng tạo, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã lập nên những chiến công hiển hách, làm chấn động cả trong nước và thế giới. Với những chiến công huyền thoại, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng Biệt động Sài Gòn góp phần không nhỏ vào chiến thắng vang dội ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên cơ sở một số tư liệu, bài nghiên cứu, cùng gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết về lực lượng Biệt động Sài Gòn ngày ấy, cũng như về công tác giáo dục truyền thống trong thế hệ trẻ ngày nay qua những “địa chỉ đỏ” của lực lượng này.
Bài 1: Đội quân 'xuất quỷ nhập thần'
Bí mật và ngăn cách, không tìm hiểu lai lịch, gốc tích, chỉ gọi nhau bằng bí danh, bình phong nghề nghiệp gì thì phải đóng cho đúng… đó là những nguyên tắc lực lượng Biệt động Sài Gòn đã thực hiện để có thể hoạt động được trong lòng địch. Họ có thể là một luật sư, một nhà thầu khoán, thậm chí một cán bộ của quân ta cài vào trong hàng ngũ địch.
Biệt động Sài Gòn – “Anh” là ai?
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Biệt động Sài Gòn là lực lượng võ trang được hình thành từ cơ sở chính trị và cao trào đấu tranh chính trị của toàn dân từ thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ đầu kháng chiến Nam Bộ và phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đây là lực lượng võ trang tại chỗ, chiến đấu trong lòng địch ở các đô thị bị tạm chiếm. Trong thời chống đế quốc Mỹ, Biệt động Sài Gòn - Gia Định được xây dựng từ cơ sở, tồn tại, hoạt động trong lòng địch. Họ thường là người tại chỗ phải "3 hóa" - công khai hóa, hợp pháp hóa, địa phương hóa và phải "3 cùng" - cùng ăn, cùng ở, cùng quần chúng đấu tranh.
Năm 1964, đơn vị vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định đầu tiên ra đời, tiếp theo đó lần lượt là nhiều đơn vị khác. Dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động của lực lượng là việc thành lập Đoàn F100. Tháng 4/1965, tại Suối Dây (Tây Ninh), Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp quán triệt Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 11 và triển khai nhiệm vụ theo “Kế hoạch X”. Một trong những nhiệm vụ mà cấp trên giao cho Quân khu Sài Gòn - Gia Định về mặt vũ trang là xây dựng một lực lượng biệt động, có tổ chức thống nhất, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để có thể cùng một lúc bất ngờ công kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn - Gia Định và vùng ngoại ô khi có thời cơ chiến lược. Để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, Đoàn Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, phiên hiệu F100 được thành lập. F100 ra đời như một lực lượng tinh nhuệ xung kích của thành phố đảm đương nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật đánh vào trung ương đầu não địch.
Trong cuốn sách “Biệt động Sài Gòn”, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu), Chỉ huy trưởng F100 có viết, đây là lực lượng biệt động tập trung của Quân khu Sài Gòn – Gia Định, hình thành với quy mô thích hợp, kế thừa những thuận lợi về tổ chức, kinh nghiệm hoạt động và chiến đấu của các đơn vị trước (để lại mỗi cánh một đơn vị biệt động hoạt động ở vùng ven thành phố). Bước đầu, Đoàn tổ chức 11 đội chiến đấu và 2 đội công tác đảm bảo.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Hùng, phần quan trọng nhất để hình thành sức mạnh của lực lượng biệt động là đội ngũ nằm trong nội thành, gồm các chiến đấu viên, các cơ sở của biệt động tại chỗ. Những người này có giấy tờ thông hành của địch, có nghề nghiệp làm bình phong hợp pháp, tồn tại thường xuyên ở địa bàn, nên có thể bảo đảm các công việc như: giao thông liên lạc, tai mắt trinh sát, nơi trú ngụ, cất giấu hay tồn trữ vũ khí lâu dài, có lúc lại hỗ trợ hoặc tham gia chiến đấu trực tiếp...
"Đây là một đội ngũ rộng rãi, thu hút một cách có chọn lọc mọi lứa tuổi thuộc các thành phần xã hội, trên mọi miền đất nước hội tụ lại: các em bé và cụ già (thường làm liên lạc, hộp thư hay trinh sát giản đơn); các nhà tư sản dân tộc (ủng hộ kinh phí tác chiến, tác động đến con cái của họ trong ngụy quân, ngụy quyền để lấy tin tức)", Đại tá Nguyễn Đức Hùng viết trong cuốn sách.
Những chiến công hiển hách
Lực lượng Biệt động Sài Gòn đã trải qua nhiều trận đánh, trong đó có thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Lực lượng Biệt động Sài Gòn đã bất ngờ tấn công vào hàng loạt các mục tiêu trọng yếu của Mỹ ngụy, như: Dinh Độc Lập, Tòa đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn. Các trận đánh đã tạo nên tiếng vang lớn, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải “xuống thang chiến tranh”.

Để chuẩn bị cho trận Mậu Thân 1968, ta đã huy động hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, tập kết một khối lượng lớn vũ khí, trang thiết bị ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền Nam mà địch không hay biết. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Nhớ lại thời điểm đó, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự H63 cho biết, trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ của 17 chiến sĩ biệt động đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của đế quốc Mỹ đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ. Báo chí Mỹ khi đó có mô tả, nước Mỹ chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay khi bị chia rẽ sâu sắc về chiến tranh.
Không chỉ là những trận đánh anh dũng, các chiến công của Biệt động Sài Gòn trong chiến dịch này có tác động lớn đến toàn bộ cuộc chiến, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, cổ vũ, thôi thúc khí thế chiến đấu của quân và dân ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là đỉnh cao của Biệt động Sài Gòn - Gia Định về nghệ thuật quân sự, tổ chức chỉ huy đánh địch ở đô thị với tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ cách mạng.
Về hoàn cảnh đó, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên toàn miền Nam đã diễn ra cuộc Tổng tấn công và nổi dậy “long trời lở đất”, làm cho quân địch kinh hoàng, bị động, lúng túng. Đặc biệt, những đòn tấn công sấm sét tại khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định làm cho Mỹ - Ngụy hoang mang cao độ; trong đó đặc biệt nổi lên cuộc tấn công của Biệt động Sài Gòn chiếm lĩnh Tòa Đại sứ Mỹ trong 6 tiếng, đã làm chấn động "thần kinh trung ương đế quốc Mỹ".
Theo ông Phạm Chánh Trực, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân có ý nghĩa đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và đi vào quỹ đạo của đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam ở Miền Nam. Chiến công của Biệt động Sài Gòn là đòn trực tiếp, có công đầu tiên và đặc biệt xuất sắc trong việc làm thất bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, khiến chúng phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh.
Nói về chiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh, trong cuộc kháng chiến oanh liệt vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, các đơn vị Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã nêu cao khí phách anh hùng, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công bất hủ. Hoạt động chiến đấu giữa sào huyệt địch với bao nguy hiểm, khó khăn, cán bộ và chiến sĩ biệt động dựa vào sự che chở và giúp đỡ của nhân dân, đã mưu trí dũng cảm lập những chiến công vang dội, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược Tết Mậu Thân. Là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, bộ đội đặc công biệt động nói chung và Biệt động Sài Gòn - Gia Định nói riêng đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, "nêu cao tinh thần quyết chiến, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn", góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược.