Biết ơn Bộ đội Cụ Hồ

262 công dân thực hiện cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh thuộc Trung đoàn 991 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh.

Nhưng ở họ có một điểm chung đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây đó là: “Còn mãi những ân tình sâu nặng”.

“Chúng tôi suốt đời mang ơn các chú bộ đội!”. Lời phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Thông, trú tại tổ 5, phường Hội Thương, TP Pleiku (Gia Lai) như chạm vào trái tim của 262 công dân tại lễ trao chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tập trung trở về địa phương. Theo ông Thông, cảm phục trước tình cảm của các chú bộ đội ngay từ ngày đầu tiên đón công dân đến cách ly. Bộ đội chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, kiểm tra sức khỏe cho người dân mỗi ngày.

Với bà Phạm Thị Ngọc Anh ở huyện Đức Cơ (Gia Lai), thay vì tất bật sắp xếp đồ đạc cá nhân, rồi bắt tay ríu rít cảm ơn cán bộ, chiến sĩ, người phụ nữ hơn 60 tuổi này một mực xin ở lại phụ giúp bộ đội nấu ăn, quét dọn. Ghi nhận tình cảm của bà, Đại tá Phan Trương, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Gia Lai thuyết phục mãi bà Phạm Thị Ngọc Anh mới ra về. Tình cảm ấy đủ khẳng định ân tình của bà con dành cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 991.

 Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Gia Lai đón công dân đến khu cách ly y tế tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Trung đoàn 991.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Gia Lai đón công dân đến khu cách ly y tế tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, Trung đoàn 991.

Trường hợp gia đình cô Lê Thị Hương (trú tại tỉnh Quảng Ngãi), cả vợ chồng, em và cháu lập nghiệp ở Campuchia gần chục năm nay, chưa từng chung một bữa cơm đầy đủ, lúc thiếu người này, lúc vắng người kia do cuộc sống mưu sinh. Giờ cùng nhau quây quần tại khu cách ly, không nói ra, mắt ai cũng ngấn lệ. Có lẽ đây là bữa cơm đúng nghĩa của sự đoàn viên gia đình cô do cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị. “Về đây tôi mới cảm nhận gia đình thực thụ. Các chú bộ đội như người nhà của mình vậy” cô ngậm ngùi chia sẻ.

“Tay xách, nách mang” là hình ảnh quen thuộc đối với các nữ quân nhân làm công tác phục vụ. Từ vận chuyển nước uống, nhu yếu phẩm theo yêu cầu của công dân khu cách ly đến tiếp phẩm, nấu ăn, phục vụ ăn uống... việc như con thoi, nhưng các chị vẫn thường trực trên môi nụ cười. Thượng úy QNCN Ksor Alư tâm sự: “Bộ phận phục vụ chúng tôi 4 người, bảo đảm vật chất nhu yếu phẩm cho công dân cách ly. Ở đây có nhiều độ tuổi khác nhau, từ trẻ em đến người già nên việc bảo đảm khẩu phần ăn cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng với tinh thần “công dân cách ly” như người thân gia đình mình nên mọi thứ đều qua hết”.

Mấy ai hiểu rằng, đằng sau nụ cười đó là một nỗ lực rất lớn của sự hy sinh, gác lại niềm riêng. Bởi các chị đều có con nhỏ, đang trong thời gian nghỉ hè, mọi việc chăm sóc nuôi nấng bọn trẻ đành nhờ vào ông bà.

Tính đến hết tháng 7-2020, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận hơn 400 công dân tại 4 địa điểm, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai, trẻ em và người già. Phần lớn là các công dân đang lao động, sinh sống bên nước bạn trở về qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai) thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định. Để bảo đảm đón tiếp, quản lý, theo dõi, chăm sóc số lượng người và khối lượng công việc như vậy thì hơn hai tháng qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh nỗ lực rất lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đại tá Huỳnh Việt Dũng, Phó chỉ huy trưởng, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai khẳng định: “Trận chiến này còn cam go, thử thách, nhưng cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết đồng lòng, cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy lùi đại dịch, mang lại sự bình yên cho nhân dân.

Bài và ảnh: HUY BẮC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/biet-on-bo-doi-cu-ho-629577