Biệt phái giáo viên lên Phòng Giáo dục làm việc không dễ vì thiếu danh phận

Làm việc chuyên môn cho Phòng nhưng danh phận của đội ngũ GV biệt phái không rõ ràng trong khi công việc nhiều, trái chuyên môn, áp lực lớn...

"Năm học 2022-2023, toàn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) có 41 trường với 20.566 học sinh. Thực hiện nhiều nhiệm vụ giáo dục, trong khi đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ hiện chỉ có 7 biên chế. Nhân sự thiếu nên Phòng phải điều động đến 15 giáo viên, cán bộ quản lý các trường lên Phòng làm việc chuyên môn", ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết.

Việc biệt phái giáo viên rất khó khăn vì chính bản thân giáo viên không mặn mà về Phòng làm việc. Bởi họ thấy không có danh phận rõ ràng (làm việc của Phòng phân công, nhưng là người của một đơn vị trường cụ thể), lương thấp hơn khi giảng dạy ở trường và việc chi trả chế độ, quyền lợi phụ cấp cũng chưa có văn bản thống nhất.

Giáo viên ngại bị biệt phái lên phòng làm việc vì không có danh phận. Ảnh minh họa: LC

Giáo viên ngại bị biệt phái lên phòng làm việc vì không có danh phận. Ảnh minh họa: LC

Ông Chiến cũng cho biết thêm: “Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện rất nhiều công việc từ quản lý chuyên môn đến tham mưu các kế hoạch... nhưng số lượng biên chế hiện tại quá hạn hẹp.

Bên cạnh đó, với giáo viên được biệt phái lên Phòng làm việc, chuyên môn chính của thầy cô trước đó là giảng dạy ở trường nơi mà họ công tác. Khi biệt phái họ lên phòng, sắp xếp công việc trái chuyên môn khiến các thầy cô cũng gặp nhiều áp lực, phải mất một thời gian để quen việc. Thế nhưng, nếu không thực hiện biệt phái thì không lấy đâu ra người làm.

Theo quy định, việc biệt phái giáo viên có thời hạn không quá 3 năm, quá trình sắp xếp công việc cho các giáo viên biệt phái ở Phòng cũng mất nhiều thời gian mới quen việc, và khi "trả" họ lại trường, Phòng lại phải tính toán các phương án nhân sự thay thế.

Bản thân các thầy cô giáo tham gia biệt phái cũng tâm tư bởi nếu trong thời gian biệt phái toàn thời gian ở Phòng Giáo dục và Đào tạo, họ không thể tham gia giảng dạy. Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, không thực hiện giảng dạy sau 3 tháng liên tục, thầy cô sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy nữa".

"Để đảm bảo các nhiệm vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền về số lượng 18 biên chế thay vì 7 biên chế như hiện nay", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết.

Cũng là huyện miền núi khó khăn, năm học 2022-2023, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) có 35 đơn vị trường học với 663 lớp, 16.890 học sinh. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, số lượng học sinh trên địa bàn tăng hàng năm, việc thiếu giáo viên cũng đang là vấn đề nan giải với ngành Giáo dục và Đào tạo tại đây.

Nói về việc biệt phái giáo viên lên Phòng Giáo dục và Đào tạo làm việc, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết:

“Hiện tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được giao 4 biên chế, số lượng ít nên phải biệt phái 12 giáo viên từ các trường lên để thực hiện các công việc của Phòng.

Việc biệt phái giáo viên lên Phòng Giáo dục và Đào tạo làm việc gặp rất nhiều khó khăn. Vì một số lý do sau:

Quản lý giáo viên được biệt phái gặp nhiều khó khăn bởi giáo viên không yên tâm công tác, hiệu quả công tác không cao.

Theo quy định, Phòng cũng chỉ có thể biệt phái giáo viên thời gian tối đa 3 năm, nhiều lúc phải "trả" thầy cô về trường trong khi công việc đang triển khai dang dở.

Dù khối lượng công việc quản lý, chỉ đạo chuyên môn tại Phòng rất lớn, nhưng do tính chất đặc thù của ngành Giáo dục nên khi "trả" các giáo viên biệt phái về trường học thì cũng không thể luân chuyển viên chức từ các phòng chuyên môn khác của Ủy ban nhân dân huyện đến công tác Phòng Giáo dục và Đào tạo được.

Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: LC

Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: LC

Một số trường cũng đang thiếu biên chế giáo viên, sĩ số học sinh/lớp đông. Phòng thiếu người làm, trường cũng không đủ giáo viên, nên việc trưng tập, biệt phái viên chức từ trường lên Phòng là không dễ.

Lý do nữa là giáo viên biệt phái, dù có giỏi chuyên môn nhưng cũng chưa quen với công tác quản lý, hành chính văn phòng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo nên việc hỗ trợ công việc ở giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn.

Do cần thời gian làm quen tại đơn vị mới nên áp lực công việc với đội ngũ giáo viên biệt phái rất lớn. Và thầy cô cũng tâm tư về chuyện danh phận, chỉ là người làm việc "tạm thời" của Phòng.

"Với khối lượng công việc thực tế hiện nay, để đảm bảo được yêu cầu, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đề xuất có từ 8 – 12 biên chế, trong khi hiện nay cơ cấu biên chế của chúng tôi mới chỉ có 4 người”, ông Phạm Thiết Chùy cho biết.

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/biet-phai-giao-vien-len-phong-giao-duc-lam-viec-khong-de-vi-thieu-danh-phan-post233395.gd