Biết rồi, khổ lắm, nói mãi (*)
Dạy học và thu học phí đã có từ thời cổ đại, như thầy trò Protagoras (490-420 tr. CN) - sinh trước Socrates 20 năm - ký hợp đồng thương mại hóa giáo dục với cậu học trò Euathlus trả trước một nửa học phí, nửa còn lại sau khi cậu đã thành công trước tòa. Euathlus rút cục thất bại, nên không chịu thanh lý hợp đồng. Ở Việt Nam, việc dạy và thu học phí đã có từ thời các cụ đồ Nho chứ chẳng mới mẻ gì.
Nhưng chuyện dạy thêm – học thêm thu phí những năm qua ở nước ta có những biểu hiện giáo dục thiếu lành mạnh lại khác. Hiện tượng này không cần phải bàn thêm, vì những học sinh (HS) bị đi học các em không lạ gì, không ít giáo viên (GV) đã đánh mất hình tượng mô phạm cao đẹp của mình trong mắt HS bởi chỉ biết lợi ích kinh tế cá nhân. Tôi nhớ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) không chỉ một lần ban hành Thông tư hướng dẫn, quy định việc dạy thêm – học thêm, nhưng sự việc tiêu cực vẫn cứ diễn biến. Vừa qua, Bộ GDĐT ban hành tiếp Thông tư số 29/2024/TT-BGDDT (30/12/2024) “Quy định về dạy thêm, học thêm” đối với học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan với nhiều điểm mới. Có thể đối chiếu giữa Thông tư 17 (2012/TT-BGDĐT) và Thông tư 29 của Bộ GDĐT để thấy một số quy định khá nghiêm ngặt hơn ở Thông tư 29 này như sau:
1. Với Thông tư 17 quy định: Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi Thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó chưa cho phép. GV có thể dạy thêm ngoài nhà trường (có thu tiền) đối với HS mà GV đang dạy chính khóa nếu được Hiệu trưởng cho phép. HS có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường, cha mẹ hoặc người giám hộ trực tiếp ghi cam kết ký tên vào đơn chịu trách nhiệm về việc học thêm của con em với nhà trường. Nhà trường tổ chức dạy thêm trong nhà trường (có thu tiền) cho mọi HS có nguyện vọng học thêm. Quy định số buổi dạy thêm/tuần, số tiết dạy thêm/buổi không cụ thể.
2. Với Thông tư 29 quy định: GV đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với những HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. GV tuyệt đối không được dạy thêm ngoài nhà trường (có thu tiền) đối với HS mà GV đang dạy chính khóa. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của HS và chỉ dành cho các đối tượng HS đăng ký học thêm theo từng môn như sau:
HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt. HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi. HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đó là 3 đối tượng HS thuộc trách nhiệm nhà trường phải tổ chức dạy thêm trong nhà trường (không thu tiền) nếu HS có nguyện vọng. Ngoài ra, không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào khác. Quy định số tiết dạy thêm trong nhà trường mỗi môn không quá 2 tiết/tuần.
3. Đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo Thông tư 29 hướng dẫn như sau: Mọi GV đều được dạy thêm ngoài nhà trường, khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm. GV (không phân biệt công lập hay tư thục) không được dạy thêm có thu tiền đối với HS mà mình đang dạy trên trường. GV công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Tổ chức hay cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS phải đăng ký kinh doanh và công khai thông tin tuyển sinh các khóa học thêm.
Từ Thông tư 29/2024/ TT-BGDDT, nhìn lại thực trạng việc dạy thêm, học thêm đang diễn ra hiện nay có nhiều cơ sở giáo dục xem như chưa quản lý được từ việc tổ chức, quản lý thu chi học phí, cũng như đối tượng học sinh học thêm chưa theo một quy định nào cả. Trong khi đổi mới phương pháp dạy học là dạy kỹ năng để học sinh vận dụng sáng tạo trong làm bài, nhưng từ thực tế dạy thêm hiện nay không ít cơ sở giáo dục tuy GV không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, nhưng có hiện tượng thống nhất trong nhóm dạy thêm chọn từ 3 đến 4 ngữ liệu ngoài sách giáo khoa làm đề cương ôn tập cho học trò rồi ra đề kiểm tra trong đó. Có trường GV thu học phí từng ngày, em nào đi học thêm buổi nào nộp học phí buổi đó, chẳng biết lãnh đạo nhà trường có biết hiện tượng này đang xảy ra ở trường mình đang quản lý hay không. Thông tư 29 ra đời có chấn chỉnh được việc dạy thêm – học thêm để đi vào nền nếp còn tùy thuộc vào việc triển khai, kiểm tra thực hiện có nghiêm túc hay không, nếu không chắc chắn sẽ có những biến tướng dạy thêm, học thêm như cũ trong thời gian tới.
(*): Câu nói của nhân vật cụ cố Hồng trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/biet-roi-kho-lam-noi-mai-127368.html