Biết thì thưa thốt…

BPO - Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì đó là những câu nói ngắn gọn, có nhịp điệu, giàu hình ảnh và mang tính biểu cảm cao. Tục ngữ được hình thành từ thực tiễn nên nó phản ánh sinh động về những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử và xã hội, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc. Và câu “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” được xem là ví dụ điển hình. Ý nghĩa của câu tục ngữ này là nếu ai biết về một điều gì đó thì hãy bằng thái độ khiêm nhường mà nói cho người khác hiểu, còn không biết thì nên im lặng lắng nghe để nâng cao kiến thức. Tiếc rằng, thời nay nhiều người chẳng những không nghe theo lời khuyên của người xưa mà còn muốn thể hiện bản thân bằng cách nói năng bạt mạng, rồi tự biến mình trở thành kẻ làm trò cười cho thiên hạ.

Việt Tân và những kẻ vô công rồi nghề, phàm phu tục tử thuộc tổ chức khủng bố này là những con rối như vậy. Tuy đang ở trong một xó xỉnh nào đó bên tận trời Tây và lại chẳng hiểu biết điều gì nhưng Việt Tân và các tổ chức, cá nhân có bản chất phản động, thù địch, cơ hội chính trị vẫn hay ngứa mồm rồi xỉa xói vào chuyện thường ngày ở Việt Nam. Cụ thể là ngày 14-6-2022, trên trang facebook của Việt Tân đã phát tán bài viết có tựa đề “giá xăng”. Nội dung bài viết này có đoạn: “Mỗi lần xăng tăng là một lần nhân dân ai oán. Và rồi, những lời ai oán đó lại như một tiếng thở ném vào thinh không. Thực tế mà cả lãnh đạo và nhân dân đều thấy và hiểu rõ: Muốn kéo giảm giá xăng thì phải giảm sưu thuế. Muốn giảm sưu thuế, tất nhiên phải trông cậy vào sự minh tiệp của hai cơ quan quản lý trực tiếp: Liên bộ Công Thương và Tài Chính. Nhưng đáng buồn thay, cả hai bộ trưởng tuồng như chỉ sợ xăng giảm giá thì phải? Bộ trưởng Bộ Công Thương thì đưa ra những chủ thuyết “phản kinh tế”, kiểu giảm giá xăng thì hàng xuất khẩu thiệt hại. Bộ trưởng Bộ Tài chính lại lo giảm giá thì xăng chảy qua Campuchia, qua Lào. Toàn những lý do trời ơi đất hỡi!...

Với suy nghĩ này thì đây quả là tư duy của những kẻ không có não trạng. Bởi lẽ, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục “dựng đứng”. Vẫn biết rằng, tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận với mức giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế, nhưng do phương pháp điều hành giá của mỗi quốc gia khác nhau nên ở mỗi nước sẽ có mức giá bán lẻ khác nhau. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Công Thương, những ngày cuối tháng 6 vừa qua, châu Âu là nơi có giá xăng cao nhất, với hơn 2 USD/lít. Điển hình như Italy có giá 2,055 USD/lít, Pháp có giá 2,13 USD/lít, Bỉ là 2,139 USD/lít, Anh là 2,157 USD/lít, Đức có giá 2,322 USD/lít, Na Uy với giá 2,826 USD/lít, Đan Mạch 2,647 USD/lít. Ở châu Á, Hồng Kông là nơi có giá xăng đắt nhất thế giới khi ở mức 2,961 USD/lít, tương đương 68.700 đồng/lít. Trong khi đó, hiện giá xăng ở Việt Nam tuy đã lập kỷ lục mới nhưng vẫn ở mức 32.700 đồng/lít.

Như vậy, không chỉ riêng Việt Nam, mà giá xăng dầu đang “nóng” lên trên toàn cầu và đã lập mức cao kỷ lục mới ở nhiều nước. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia thì giá xăng ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới với Campuchia dài khoảng 1.137km, với Lào dài hơn 2.300km và tiếp giáp với 10 tỉnh. Đặc biệt, 2 tuyến biên giới này có nhiều đường mòn, lối mở nên việc quản lý người dân hai bên qua lại rất khó khăn. Hơn nữa, do giá xăng chênh lệch khá lớn nên việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới là không thể tránh khỏi. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào diễn ra có lúc khá gay gắt. Hiện tình trạng xuất lậu xăng dầu đang diễn ra tại các tỉnh biên giới như: Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh… qua cả đường bộ, đường sông và đường biển. Trong đó, An Giang là tỉnh thường xuyên xuất hiện các điểm “nóng” buôn lậu mỗi khi xăng dầu có biến động về chênh lệch giá giữa Việt Nam với Campuchia.

Ấy vậy mà tổ chức khủng bố Việt Tân và những kẻ vong nô vẫn cố tình bịt tai, che mắt để không thấy, nhưng lại ra sức nói liều. Bằng chứng là ngày 1-4-2022, trên facebook của Việt Tân và các trang tiếng Việt của một số “cái loa rách” có tên là BBC, RFA, VOA, RFI đã phát tán bài viết mang tựa đề: Xăng tăng giá mạnh, dân lại thêm khổ. Vẫn cái giọng điệu của kẻ vừa khiếm thính lại khiếm thị, nội dung bài viết này có đoạn: “…Khoảng một nửa giá bán xăng hiện nay đến từ thuế, phí của nhà nước đánh vào. Thuế, phí ở Việt Nam lại thuộc hàng cao nhất trong khu vực, đang bào mòn khủng khiếp sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hạ thấp mức sống của người dân. Cách tăng giá xăng dầu một cách vô tội vạ như hiện nay, là dẫn chứng sinh động cho chính sách quản lý kinh tế theo mô hình độc quyền của nhà nước. Những đợt tăng giá bất tận của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - nhóm lợi ích chính sách độc quyền, đã và đang khiến cho những đồng lương vốn đã ít ỏi của người dân, nay lại phải thêm tằn tiện”.

Ở đây, một lần nữa họ lại nói khùng, nói điên. Vì, với giá xăng dầu thế giới hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam, mà cả thế giới cũng phải chi tiêu tiết kiệm. Trong khi đó, theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam xếp ở vị trí 74/170 trong bảng xếp hạng giá xăng dầu và GDP bình quân đầu người ở các quốc gia và khu vực trên thế giới. Cụ thể là trong năm 2021, Việt Nam có thu nhập khoảng 10,25 USD/ngày, do đó 1 lít xăng đang chiếm khoảng 11,66% trong thu nhập hằng ngày của người Việt Nam. Trong khi đó, người dân Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar có thu nhập lần lượt khoảng 9,42 USD/ngày, 4,74 USD/ngày, 7,45 USD/ngày và 4,47 USD/ngày. Điều đó có nghĩa là người dân của các nước này phải trả lần lượt là 13,4%, 22,41%, 19,89% và 29% thu nhập của 1 ngày cho 1 lít xăng, cao hơn so với Việt Nam. Hơn nữa, trước tình hình giá xăng dầu liên tục tăng, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 700 đồng/lít từ ngày 1-4 đến hết 31-12-2022. Mức giảm thuế này giúp hạ nhiệt giá xăng dầu, từ đó hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Từ những dẫn chứng nêu trên cho thấy, cả Việt Tân cùng với BBC, RFA, VOA, RFI và đám lâu la của họ là những kẻ “ăn ốc nói mò”. Người xưa đã dạy rằng, “con người ta mất 2 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học im lặng” hay “thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng”. Ý nghĩa của hai câu này là người xưa muốn răn mọi người thận trọng trong cách ăn nói. Vì ăn nhiều hại người, nói nhiều hại thân. Và xưa nay nói nhiều có bao giờ là hay đâu, toàn “nói dài, nói dai thành nói dại” mà thôi. Vậy nên, chuyện không biết mà cứ giành phần thể hiện thì chắc chắn họa không ở đâu xa, mà nó ra ngay từ miệng.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/134688/biet-thi-thua-thot