Biểu tượng của trí tuệ Việt Nam

Cổng chính vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: MINH NGUYỆT

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của tình thần hiếu học, của trí tuệ Việt Nam. Về Hà Nội không thể không đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thắp hương tưởng niệm các bậc thành nhân đã được khắc tên trên bia đá, tỏ lòng thành kính với truyền thống hiếu học của tổ tiên mình.

Sau khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long, đến năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu (thờ Khổng Tử). Năm 1076, vua Lý Nhân Tông hạ chiếu khởi công xây dựng Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam, ngay cạnh Văn Miếu.

Vùng đất thiêng

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thủ đô Hà Nội, được bố cục đăng đối theo từng khu, từng lớp theo trục bắc - nam; với diện tích khoảng 5,4ha và nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long. Bốn mặt giáp phố, cổng chính ở phía nam tiếp giáp phố Quốc Tử Giám, trước mặt có hồ Văn Chương, ở giữa có gò đất Kim Châu là nơi bình thơ văn của nho sĩ kinh thành xưa.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường rào gạch bao quanh, bên trong cũng có tường ngăn thành 5 khu, có cổng qua lại. Khu vực đầu tiên từ cổng chính Văn Miếu Môn đi vào đến cổng Đại Trung Môn, khu thứ hai từ Đại Trung Môn đến cổng Khuê Văn Các.

Du khách nước ngoài tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: MINH NGUYỆT

Du khách nước ngoài tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: MINH NGUYỆT

Khuê Văn Các là công trình kiến trúc không đồ sộ nhưng có tỉ lệ hài hòa, đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch vuông mỗi cạnh 85cm đỡ tầng gác phía trên; mái ngói chồng 2 lớp thành 8 mái, có lan can bao xung quanh, bốn mặt có 4 cửa sổ tròn tượng trưng cho mặt trời tỏa tia sáng. Trên mái có phù điêu rồng chầu mặt trời. Đây là hình tượng cao quý và thiêng liêng, biểu tượng của vương quyền, đồng thời cũng là ý niệm cho sự viên mãn trường tồn của dân tộc. Công trình này năm 1997 được chọn là biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Khu thứ ba gồm hồ nước Thiên Quang Tính (giếng soi ánh mặt trời) có hình vuông, hai bên là nhà bia. Khu thứ tư là trung tâm, kiến trúc chủ yếu gồm hai tòa nhà; tòa nhà ngoài gọi là Bái Đường, tòa nhà bên trong là Thượng Cung và đi vào bên trong là khu Thái Học.

Những người tài hoa vượt qua các kỳ thi tuyển, nếu đỗ đạt được khắc tên vào bia đá, bia đá đặt trên lưng rùa đá; trên những tấm bia đá khắc đậm những lời khuyến cáo, cổ vũ việc học như: Phải mong làm điều trung nghĩa. Danh và thực phải giống nhau. Việc làm phải theo sự học mới thành công...

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Ngày nay, đây là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi tổ chức khen thưởng cấp quốc gia, nơi tổ chức hội thơ xuân nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) hàng năm. Đặc biệt còn là nơi các sĩ tử đến cầu may trước mỗi kỳ thi, là điểm hẹn xin chữ của người dân trong những ngày tết truyền thống, với ước vọng an lành.

Nơi đào tạo nhân tài

Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn viết “Nơi đây (Thăng Long - PV) là thánh địa, nơi hội tụ của bốn phương, là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời…”. Tìm được đất “rồng bay” làm kinh đô, nhà Lý thực hiện mọi chủ trương chấn hưng đất nước, muốn xã tắc thanh bình, quốc gia giàu mạnh. Ngoài việc phát triển về kinh tế, nhà Lý đặc biệt quan tâm đến mở mang dân trí, khuyến học và lựa chọn người tài ra giúp nước được coi là quốc sách, là yếu tố nền tảng cho sự hưng thịnh của dân tộc. Vì lẽ đó, từ đời Lý đến đời Trần, bất luận khi đất nước thanh bình hay binh đao loạn lạc, Quốc Tử Giám luôn được củng cố, thu hút người tài khắp nơi về đây rèn luyện, thi thố.

Du khách trước Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: MINH NGUYỆT

Du khách trước Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: MINH NGUYỆT

Năm 1075, nhà vua mở khóa thi đầu tiên trên phạm vi toàn quốc gia Đại Việt để tuyển chọn người tài. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại thần nên gọi tên trường là Quốc Tử, về sau tuyển cả con em thường dân đức hạnh và học giỏi.

Khóa thi năm Nhâm Tuất, đời Lê có tới 450 thí sinh, chọn được 33 tiến sĩ, trong đó có 3 tiến sĩ còn rất trẻ, từ 19-30 tuổi. Các khóa sau sĩ tử càng đông, năm 1463, đời Lê Thánh Tông có tới 1.400 người. Lúc này nhà vua cho mở rộng thêm Quốc Tử Giám, xây nhà lưu trú, thư viện… phục vụ cho việc ăn ở, học hành và nghiên cứu. Những sĩ tử được tuyển chọn vào học tại Quốc Tử Giám phải lấy đạo hạnh làm đầu, phải qua việc tuyển lựa từ thi hương, thi hội mới được đệ đơn vào Quốc Tử Giám.

Từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vua Lê Thánh Tông ban bố “Du khuyến học” khuyến khích người người, nhà nhà thi đua việc học. Năm Nhâm Ngọ (1462), cả nước ta có 12 trường thi, với 60.000 thí sinh tham dự thi hương và thi hội. Năm Ất Sửu có 3.000 thí sinh thi tuyển chọn tiến sĩ. Từ đời nhà Lý đến nhà Nguyễn (vua Thành Thái), tổng số tiến sĩ là 2.335 người và trạng nguyên là 30 vị.

Để tỏ lòng tôn trọng nhân tài, sau mỗi kỳ thi, những người đỗ đạt cao tại Quốc Tử Giám, ngoài việc được khắc tên vào bia đá Văn Miếu, họ còn được nhà vua mở tiệc chiêu đãi, được ban mũ, áo, cờ hiệu, được dân chúng địa phương đem ngựa, cờ lọng đón rước về vinh quy bái tổ và cũng được Nhà nước trọng dụng bổ nhiệm làm quan, chăm lo việc xã tắc.

Bao nhân tài xuất chúng từng được đào tạo tại Quốc Tử Giám. Tiêu biểu như Chu Văn An, đời Trần Minh Tông (1314-1329), là một trí thức lớn, uy tín cao, từng làm đến Tư nghiệp Quốc Tử Giám (hiệu trưởng). Ông có nhiều công lao trong việc xây dựng, phát triển Quốc Tử Giám từ những năm đầu mở trường. Học trò của ông không ít người trở thành những nhân vật rường cột của đất nước. Năm 1370, ông mất và được vua Trần Nghệ Tông cho lập bàn thờ ngay tại Văn Miếu.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/298272/bieu-tuong-cua-tri-tue-viet-nam.html