Biểu tượng tâm linh
1. Trong một cuộc khai quật di chỉ Làng Vạc vào năm 1973, các nhà khảo cổ phát hiện một khu mộ táng khá bề thế.
Trong những món đồ tùy táng được tìm thấy tại xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hòa), tỉnh Nghệ An, đáng chú ý là chiếc dao găm với cán khắc tượng rắn ngậm chân voi.
Chiếc dao găm này nặng 500 gr; phần chuôi dài 6,8 cm, rộng 3,5 cm khắc hình ảnh 2 con rắn xoắn nhau, trong đó một con có mào. Hai con rắn này há miệng đỡ lấy cặp chân sau và cặp chân trước của một con voi.
Theo báo cáo khai quật di chỉ Làng Vạc lần thứ nhất, các chuyên gia khẳng định đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy loại dao găm có tượng rắn đỡ hình con vật trong các điểm khảo cổ học ở nước ta. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo trong bộ sưu tập vũ khí bằng đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn (khoảng năm 800 TCN).
Không chỉ là một loại vũ khí, chiếc dao găm cán khắc tượng rắn ngậm chân voi nhiều khả năng còn mang ý nghĩa tâm linh tôn giáo, có chức năng lễ nghi hơn là thực dụng. Hiện vật này được cho là phản ánh tín ngưỡng vật tổ, phồn thực của người Việt cổ. Thuở ấy, dân nông nghiệp lúa nước không xem rắn là con vật bình thường mà là biểu tượng tâm linh. Rắn còn được tôn là thủy thần, biến thành loài rồng không có thật.
Bên cạnh đó, 2 rắn quấn chặt nhau được cho là con đực và con cái. Hình tượng này thể hiện sự phồn thực, âm dương giao hòa, mong mọi loài sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.
Cặp rắn khắc trên cán dao găm ở di chỉ Làng Vạc là hình ảnh rắn cổ nhất nước ta, tính đến nay. Các nhà khảo cổ học từng phân tích niên đại khu mộ này, cho kết quả cách nay hơn 2.000 năm. Chính vì những giá trị đặc biệt ấy, năm 2017, hiện vật dao găm ở đây đã được công nhận bảo vật quốc gia.
2. Từ xa xưa, hình tượng rắn đã xuất hiện trong nhiều lễ hội của người Việt. Dù với nhiều người, rắn không phải là loài vật thân thiện, thậm chí quan niệm dân gian còn cho rằng chúng hiểm ác, gian xảo..., song nhiều nơi vẫn thần thánh hóa và thờ cúng.
Nằm bên dòng sông Đuống, di tích lịch sử đình Trường Lâm ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội - nơi thờ 3 vị thành hoàng làng là Thánh Linh Lang Đại vương (thượng đẳng phúc thần), công chúa Đào Hoa (thượng đẳng thần) và công chúa Phù Nương (trung đẳng thần) - gắn liền với lễ hội làng và nghi thức múa rắn lột có từ thế kỷ 15.
Truyền thuyết kể rằng Hoàng Lang, con trai vua Lý Thánh Tông và cung phi Hạo Nương, có công dẹp giặc Tống, được cha nhường ngôi nhưng không nhận. Ngài tâu rằng mình vốn là con Long Vương, vâng mệnh trời xuống giúp dân giúp nước, xong việc xin trở về thủy quốc; mong được thờ ở nơi sinh, cứ lấy lá cờ lệnh tung lên rơi ở đâu thì thờ ở đó. Khi vua ưng thuận, Hoàng Lang bước lên phiến đá, hóa bạch xà dài trăm trượng trườn xuống hồ Tây vào mùng 10 tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077).
Dân làng Trường Lâm đã sáng tạo nên điệu múa rắn lột, tái hiện cảnh bạch xà - Linh Lang Đại vương 3 lần lột xác để hóa thánh. Nghi thức này biểu thị tấm lòng thành kính, ghi nhớ công ơn các bậc thánh thần và tổ tiên của làng.
Cũng ở phường Việt Hưng, lễ hội truyền thống làng rắn Lệ Mật đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tương truyền vào đời vua Lý Nhân Tông, một công chúa thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Một hôm, nàng bị đắm thuyền, chết không thấy xác.
Từ làng Lệ Mật, một chàng trai họ Hoàng nghe chuyện đã tìm đến ác đấu với thủy quái trên dòng Thiên Đức. Cuối cùng, chàng chiến thắng, đưa được ngọc thể công chúa lên bờ. Vua ban thưởng rất nhiều gấm vóc, vàng bạc nhưng chàng từ chối tất cả. Chàng chỉ xin vua cho dân nghèo Lệ Mật và mấy làng quanh đó sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại.
Lễ hội làng Lệ Mật diễn ra từ ngày 20 đến 23 âm lịch. gồm 3 phần. Phần đầu là lễ đả ngư (đánh cá ở giếng làng). Tiếp theo là phần biểu diễn cảnh diệt Giảo Long. Đây là điệu múa rắn độc đáo ở sân đình. Con rắn khổng lồ được làm bằng nan tre lợp vải, tượng trưng cho loài thủy quái hại công chúa đã bị chàng trai họ Hoàng hạ gục. Cuối cùng là lễ rước của con cháu 13 trại phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
Trong khi đó, tại Lạng Sơn, lễ hội Phài Lừa ở huyện Bình Gia nhằm ghi nhớ công ơn thần rắn đã mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Lễ hội này được tổ chức 3 năm một lần, vào ngày 4 tháng 4 âm lịch năm nhuận.
Đây là lễ hội mang tính nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, gắn liền với lễ thức cầu mưa, cầu nước, cầu mùa màng. Lễ hội Phài Lừa là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian độc đáo, giữ được những nét đặc trưng của cư dân địa phương.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bieu-tuong-tam-linh-196250114143024214.htm