Big Tech thành 'tốt thí' trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc?

Thương chiến Mỹ - Trung dù chỉ vừa bắt đầu, các ông lớn công nghệ tại Thung lũng Silicon đã bị cuốn vào cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

 Các ông lớn công nghệ Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy trả đũa thương mại từ Trung Quốc trước lệnh thuế quan mới của ông Trump. Ảnh: Reuters.

Các ông lớn công nghệ Mỹ bị cuốn vào vòng xoáy trả đũa thương mại từ Trung Quốc trước lệnh thuế quan mới của ông Trump. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bùng nổ vào ngày 4/2 khi chính quyền Tổng thống Trump áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chỉ vài phút sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo đất nước tỷ dân sẽ áp thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số ôtô nhập khẩu.

Bắc Kinh cũng đang có những động thái tác động trực tiếp tới nhóm công ty công nghệ Mỹ nhằm đáp trả các chính sách thương mại cứng rắn từ Washington.

Cũng vào ngày 4/2, Cục Quản lý Giám sát Thị trường Trung Quốc (SAMR) tuyên bố mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google. Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh cũng đang xem xét mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Apple liên quan đến chính sách của App Store.

Không chỉ vậy, theo Financial Times, Trung Quốc đang cân nhắc điều tra Intel, bổ sung hãng cùng với Nvidia vào danh sách các tập đoàn công nghệ Mỹ đang bị giám sát chặt chẽ.

Apple: Gọng kìm từ hai phía

Là thương hiệu công nghệ được yêu thích hàng đầu thế giới, Apple không thể tránh khỏi “cơn bão" thương mại khi công ty này đang phải hứng đòn từ cả Mỹ lẫn Trung Quốc, theo Yahoo Finance.

Chính quyền Mỹ đã áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bao gồm cả các sản phẩm quan trọng như iPhone. Điều này có thể khiến giá bán iPhone tăng lên 10%.

Nếu không muốn mất khách hàng, Apple có thể phải tự gánh phần chi phí này, nhưng lựa chọn này sẽ khiến biên lợi nhuận của hãng bị ảnh hưởng đáng kể.

Một giải pháp khả thi là Apple xin miễn trừ thuế, như hãng đã từng làm dưới thời chính quyền ông Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên, giúp đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ mà không chịu mức thuế 10%. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin về việc liệu Apple có được chấp thuận hay không.

Trong khi đó, Trung Quốc lại "tấn công" Apple thông qua cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào App Store. Theo Bloomberg, SAMR đã có các cuộc trao đổi với Apple về cuộc điều tra từ trước, nhưng thời điểm công bố lại trùng hợp với giai đoạn căng thẳng thương mại leo thang, biến Apple thành một “quân cờ” khác trong bàn cờ kinh tế giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những tác động này chưa đủ để giáng một đòn chí mạng vào Apple.

 Cục Quản lý Giám sát Thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo mở cuộc điều tra với Apple liên quan đến chính sách của App Store. Ảnh: Reuters.

Cục Quản lý Giám sát Thị trường Trung Quốc (SAMR) thông báo mở cuộc điều tra với Apple liên quan đến chính sách của App Store. Ảnh: Reuters.

Theo nhà phân tích Wamsi Mohan của BofA Securities, Apple đã bắt đầu dịch chuyển dây chuyền lắp ráp sang các nước khác kể từ khi đại dịch Covid-19 làm bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của hãng, giúp hãng tránh được rủi ro đáng kể nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mở rộng.

Bên cạnh đó, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush nhận định rằng dù có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra chống độc quyền, doanh thu từ App Store Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu khổng lồ của Apple.

Cụ thể, trong quý I năm ngoái, Apple đạt 26 tỷ USD doanh thu từ mảng dịch vụ (bao gồm App Store) trên tổng doanh thu đạt 124 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ App Store tại Trung Quốc chỉ khoảng 5 tỷ USD/năm - con số không quá lớn so với tổng thể.

“Vấn đề ở đây không chỉ là tác động doanh thu, mà còn là sự leo thang căng thẳng Mỹ - Trung, điều khiến các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ trở thành mục tiêu bị trả đũa”, Ives nhấn mạnh trong báo cáo gửi nhà đầu tư.

Intel, Google và Nvidia: Những quân bài tiếp theo

Nếu Apple có thể xoay xở, thì Intel lại đang ở thế yếu hơn rất nhiều. Năm 2024, Trung Quốc chiếm 15,5 tỷ USD trong tổng doanh thu 53,1 tỷ USD của Intel, tương đương gần 30%. Trong khi đó, thị trường Mỹ - khu vực lớn thứ hai của hãng - chỉ đạt 12,9 tỷ USD. Điều này đặc biệt đặt Intel vào tình thế nguy hiểm nếu Bắc Kinh thực sự áp dụng biện pháp cứng rắn.

Tệ hơn nữa, Intel đang trong giai đoạn tái cấu trúc để giành lại vị thế trên thị trường chip, đồng nghĩa với việc bất kỳ cú sốc nào cũng có thể làm chậm quá trình hồi phục của công ty. Nếu Trung Quốc cấm hoặc hạn chế các sản phẩm của Intel, đó sẽ là cú giáng mạnh vào gã khổng lồ này.

 Intel có thể là cái tên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với các đòn trừng phạt của Bắc Kinh bởi sự phụ thuộc của hãng vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Intel có thể là cái tên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với các đòn trừng phạt của Bắc Kinh bởi sự phụ thuộc của hãng vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong số các công ty bị điều tra, Google có lẽ là cái tên ít tổn thất nhất. Khác với Intel, sau khi rời khỏi Trung Quốc nhiều năm trước, Google gần như không có hoạt động kinh doanh đáng kể tại đây. Hiện tại, hãng chỉ duy trì mảng quảng cáo giúp doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận khách hàng quốc tế.

Chính vì vậy, một cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Google khiến nhiều chuyên gia cảm thấy khó hiểu.

“Thật hài hước khi Trung Quốc muốn điều tra Google - vì Google về cơ bản đã bị cấm tại đây”, Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, nhận xét trong một báo cáo phân tích.

Trong khi đó, tình hình với Nvidia phức tạp hơn nhiều khi hãng phải đối mặt với áp lực từ cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc mở cuộc điều tra nhằm vào Nvidia ngay sau khi chính quyền ông Biden hạn chế xuất khẩu chip cao cấp sang nước này. Gần đây, Mỹ thậm chí còn cân nhắc siết chặt lệnh cấm hơn nữa sau khi DeepSeek - một startup công nghệ Trung Quốc - có thể phát triển mô hình AI bằng cách sử dụng các dòng chip Nvidia bị hạn chế.

Về mặt tài chính, Trung Quốc chiếm 5,4 tỷ USD trong tổng doanh thu 35 tỷ USD quý gần nhất (quý III năm tài chính 2024, kết thúc vào ngày 27/10/2024) của Nvidia - ít hơn nhiều so với 14,8 tỷ USD từ thị trường Mỹ. Nhưng với vị thế là một trong những thị trường AI lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với Nvidia.

Nếu Mỹ tiếp tục hạn chế xuất khẩu chip, còn Trung Quốc tiến hành điều tra chống độc quyền, Nvidia sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/big-tech-thanh-tot-thi-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-quoc-post1530266.html