Big_Trends: Tín hiệu tích cực đã đến

Nhiều cơ hội đầu tư đã và đang xuất hiện khiến nhiều nhà đầu tư hào hứng hơn bao giờ hết và đang chờ đợi việc giải ngân mới cho tuần giao dịch tiếp theo của tháng Năm.

Ngay lúc này, nhiều nhà đầu tư cũng có thể lạc quan nghĩ đến 1 tuần giao dịch tích cực với nhiều khả năng VN-Index sẽ giao động từ khu vực 1.070 – 1.080 điểm.

FED tăng lãi suất 0,25% đầu tháng và tiết lộ với diễn biến tình hình lạm phát giảm so với tháng trước thì nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất trong các kỳ họp tiếp theo. Việc giữ mặt bằng lãi suất cao và sẽ tiến tới việc nới lỏng từ nay đến cuối năm sẽ là cơ sở để cho các NHTW các nền kinh tế, NHNN Việt Nam tiến tới việc giảm lãi suất điều hành một đợt trong tháng Sáu.

Nếu với những diễn biến vĩ mô hiện tại và sự cải thiện về chất với việc tháo gỡ dần các nút thắt thanh khoản thì khả năng một con sóng chứng khoán có thể được ghi nhận đã được bắt đầu từ ngay khi VN-Index hồi phục từ mốc điểm 1.030 – 1.040 điểm giai đoạn đầu tháng Năm.

Hiệu ứng “Sell In May” đã trở thành hiện tượng “Buy in May” trên TTCK Việt Nam – các cơ hội đầu tư không chỉ dành cho các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ kể cả đến một số các cổ phiếu lớn nhóm VN30 trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Ngoài những hiện tượng “bất thường” giải thích hành vi nhà đầu tư về một chiến lược giao dịch thì chưa bao giờ hiệu ứng Sell In May được coi là quan trọng khi mà theo thống kê trên TTCK Việt Nam, số lượng tháng Năm đi ngược xu hướng để tăng điểm lại chiếm tỷ lệ áp đảo.

Ngay khi trong thời điểm, khoảnh khắc mà nhà đầu tư lo ngại về đợt sụt giảm mạnh tiềm tàng của TTCK thì VN-Index lại bất ngờ quay lại để chiếm lại các điểm cao kháng cự then chốt 1.050 – 1.060, để tái khẳng định xu hướng tăng điểm của TTCK trong giai đoạn tới để hướng lên vùng điểm 1.100 điểm.

Một số mối lo ngại giải thích tại sao dòng tiền lớn chưa xuất hiện và chỉ chảy tạm thời vào các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu đầu cơ. Mối lo ngại về 1 pha sụt giảm điểm tiếp theo không phải là không có cơ sở. Ở đây câu chuyện đúng sai trong dự báo xu hướng chung của thị trường không quan trọng bằng việc quản lý danh mục như thế nào để chờ thời cơ cũng như việc “nhanh nhạy” chuyển hướng dòng tiền đầu tư sang các cổ phiếu “chiến lược” các cổ phiếu “ăn khách”.

“Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt” có thể rất đúng trên TTCK khi mà đầu tư hiệu quả luôn đến với những nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường, đợi chờ những cơ hội xuất hiện. Ngay cả những cổ phiếu truyền thống hiện nay có thể đợi rất lâu mới vào con sóng tăng giá hoặc đợi thời điểm để “tỏa sáng” như HPG, VNM, GAS, VCB, SAB, BMP…

Nhà đầu tư vẫn sẽ luôn có cơ hội với những cổ phiếu chất lượng trong nhiều thời điểm điều chỉnh giảm về mức giá rất thấp, hấp dẫn để họ có cơ hội mua vào. Không chỉ những cổ phiếu nằm ngoài nhóm VN30 mà nhiều người vẫn thường nghĩ là cơ bản để đầu tư nhất thì mỗi năm, cơ hội lại đến những nhóm cổ phiếu khác đặc trưng lúc thì nhóm ngành chứng khoán FTS, BSI, CTS; lúc thì nhóm ngành xây dựng xây lắp C4V, FCN, HBC, CTD, HHV; lúc lại là nhóm dầu khí PVS, PVD, PVC…; lúc lại là nhóm cổ phiếu bất động sản DIG, ITC…

Ngay cả khi thanh khoản thị trường chưa tăng mạnh, nhưng việc tăng giá luân phiên giữa nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản đang cho thấy xu hướng lên của thị trường đang rõ ràng hơn và cơ hội lớn đang dành cho các nhà đầu tư theo dõi sát sao trên thị trường.

Có thể quá sớm để nói rằng thị trường đang ở chân sóng lớn bởi bước đường đi đến chính sách tiền tệ nới lỏng, căng thẳng địa chính trị thế giới, khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn còn đó giai đoạn cuối của năm 2023.

Thế nhưng chúng ta vẫn cứ nên hài lòng tận dụng tốt giai đoạn phục hồi này của thị trường. Vẫn nên chọn một vài cổ phiếu mạnh nhất để có thể có 1 hiệu suất sinh lời tốt hơn là việc mở rộng và đa dạng quá nhiều vào các cổ phiếu khác nhau.

Big-Trends

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/big-trends-tin-hieu-tich-cuc-da-den-post321419.html