Bình đẳng giới và những 'rào cản' cần xóa bỏ

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Nhân tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2022, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Lựu, phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội - cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bình đẳng giới, cơ quan thường trực của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh.

Lao động nữ tham gia làm hàng xuất khẩu tại Công ty May NienHsing (Khu công nghiệp Khánh Phú). Ảnh: Minh Quang

Lao động nữ tham gia làm hàng xuất khẩu tại Công ty May NienHsing (Khu công nghiệp Khánh Phú). Ảnh: Minh Quang

Phóng viên (PV): Thực tế hiện nay, vị thế của người phụ nữ đang ngày càng được nâng cao. Bà có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của tỉnh ta trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới những năm qua?

Bà Lê Thị Lựu: Việc thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được kết quả khá toàn diện. Cụ thể, đối với lĩnh vực chính trị, tỉnh ta tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng công tác phát triển đảng viên nữ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của cán bộ nữ; quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 ở cấp tỉnh có 8/48 người, chiếm 16,67%; cấp huyện 26,9%; cấp xã 25,72%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội có 3/6 người, chiếm 50%; HĐND cấp tỉnh có 12/50 người, chiếm tỷ lệ 24%; HĐND cấp huyện có 80/260 người, chiếm tỷ lệ 30,77%; HĐND cấp xã có 965/3.391 người, chiếm tỷ lệ 28,46%...

Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương cũng tăng cường các hoạt động nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm bằng cách tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; tăng cường các nguồn vốn vay cho lao động nữ, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và tạo việc làm, xuất khẩu lao động; mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, học tập các mô hình khuyến công, khuyến nông... tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận thị trường, phát triển doanh nghiệp nữ.

Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các cơ quan, doanh nghiệp… Tỷ lệ nữ giám đốc/ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã hiện đang hoạt động ước đạt 15,4%. Đặc biệt, công tác bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng được chú trọng.

Tỉnh ta đã xây dựng mạng lưới tư vấn về sức khỏe sinh sản cho nam giới. Hiện nay, tại tuyến tỉnh có 3 bác sỹ chuyên khoa sản được đào tạo về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới. Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ, nam giới và truyền thông đối với người chưa thành niên về sức khỏe tình dục, tránh thai an toàn… cũng từng bước thay đổi hành vi, dần xóa bỏ tư tưởng trọng nam kinh nữ, giảm áp lực cho phụ nữ về việc đẻ con trai. Ngoài ra, một số hoạt động khác như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực thông tin, truyền thông... cũng có nhiều kết quả khả quan.

PV: Khi phụ nữ có việc làm, thu nhập ổn định họ sẽ làm chủ cuộc sống, nâng cao vị thế kinh tế trong gia đình và xã hội. Đây có được coi là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới không, thưa bà?

Bà Lê Thị Lựu: Đúng vậy, nâng cao vị thế cho người phụ nữ trước hết cần giúp họ tự lập được về kinh tế. Độc lập về kinh tế không chỉ giúp người phụ nữ chủ động hơn trong cuộc sống mà còn giúp họ tự tin, bản lĩnh và vững vàng hơn khi phải xử lý các vấn đề phát sinh để đảm bảo mối quan hệ hài hòa nhất trong cuộc sống gia đình và các mối quan hệ xã hội. Tình trạng bạo lực gia đình (về cả thể xác lẫn tinh thần) cũng vì thế mà giảm đáng kể. Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của bản thân nữ giới, trong năm qua, các cấp, các ngành, địa phương cũng có nhiều hoạt động bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh ta đang duy trì hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) tại 143/143 xã, phường, thị trấn với 1.551 nhóm PCBLGĐ, 1.410 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình. Tại các xã, phường, thị trấn thành lập 143 đường dây nóng, 1.169 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi xảy ra BLGĐ.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội)... Các CLB "gia đình phát triển bền vững", "gia đình hạnh phúc"... và các mô hình PCBLGĐ hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và người dân về vai trò của công tác gia đình, các thành viên trong gia đình cùng thấy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh...

PV: Mặc dù đã đạt được những kết quả rất quan trọng nhưng trên thực tế chúng ta vẫn còn nói nhiều về bình đẳng giới vì phụ nữ vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi. Theo bà, chúng ta cần làm gì trong thời gian tới để xóa bỏ những "rào cản", tiếp tục đưa Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả?

Bà Lê Thị Lựu: Nữ giới ngày nay đã quan tâm nhiều đến bình đẳng giới, họ thực hiện nhiều quyền của phụ nữ và cũng đã mạnh mẽ hơn, dám bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, không ngại dấn thân vào những lĩnh vực mà bấy lâu nay vốn nghĩ đó là lĩnh vực chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận phụ nữ chưa quan tâm nhiều và chưa hiểu biết đầy đủ về bình đẳng giới. Họ vẫn mặc định vị trí của mình bao giờ cũng sau nam giới. Vì vậy họ không dám dấn thân, không dám vượt qua thử thách và mạo hiểm. Đó cũng chính là trở ngại của nữ giới trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới. Để phá vỡ "rào cản" này, từng bước tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa đối với công tác bình đẳng giới cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có sự đóng góp rất lớn của công tác truyền thông nhằm góp phần thay đổi nhận thức và hành động vì bình đẳng giới.

Với chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác bình đẳng giới, cơ quan thường trực của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tích cực tham mưu, phối hợp thực hiện nhiều hơn nữa các chương trình truyền thông về công tác bình đẳng giới dưới nhiều hình thức và thực hiện linh hoạt như tổ chức nhiều hội nghị truyền thông về bình đẳng giới; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo phản biện xã hội về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); nói chuyện chuyên đề các nội dung về phụ nữ, bình đẳng giới...

Thông qua hoạt động truyền thông nhằm phổ biến, nâng cao kiến thức cho nữ giới về bình đẳng giới. Chính nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới sẽ quyết định việc quyền của nữ giới sẽ được thể hiện như thế nào. Đồng thời, qua đó khơi dậy nghị lực, đánh thức tiềm năng sáng tạo, khát vọng dấn thân… để phụ nữ có thể tham gia, khẳng định năng lực bản thân ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Khi bản thân nữ giới có khát khao được thể hiện mình, mong muốn được khẳng định bản thân trong gia đình và xã hội, dám nghĩ dám làm điều mà mình muốn, những lĩnh vực mà mình có thế mạnh... họ sẽ có đầy đủ sức mạnh để vươn lên. Đó cũng chính là những tấm gương có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thực hiện bình đẳng giới.

PV: Cảm ơn bà về nội dung cuộc trò chuyện!

Đào Hằng (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/binh-dang-gioi-va-nhung-rao-can-can-xoa-bo/d20221104103633199.htm