Bình dị mái lá
Miền Tây nói chung, Cà Mau nói riêng, là vùng đất có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Từ thời xa xưa, xứ Cà Mau rất hoang vu, các bậc tiền nhân ra sức khai hoang xây làng, lập xóm. Họ đã dùng lá dừa nước để làm nguyên liệu cất nhà và nhà lá đã trở thành một kiểu nhà phổ biến nhất ở Cà Mau.
Ðơn sơ, mộc mạc, nhà lá không chỉ mang nét đặc trưng đời sống vùng sông nước mà còn là nét đẹp văn hóa của con người Cà Mau, đến tận ngày nay vẫn được lưu giữ trong nhịp chảy của cuộc sống hiện đại.
Gọi là nhà lá là do nhà lợp bằng tàu lá của cây dừa nước. Lá đốn về xé làm đôi rồi phơi cho sóng lá thật khô mới dùng lợp nhà. Dây lợp nhà làm bằng chính cọng cây cà bắp dừa nước. Khung nhà thường dùng bằng nguyên liệu cây gỗ đước, vẹt, tràm, tre... Ðặc trưng của ngôi nhà lá ở vùng quê Cà Mau thường cất từ 1-3 gian, 2 chái khá đơn giản. Thường thì người thợ lợp càng dày thì mái nhà càng đẹp, chắc bền và ở mát hơn so với lợp mỏng. Nhà sau khi lợp xong, dùng loại lá dừa nước lớn nhất và dài nhất để thóc nóc nhà chống mưa dột.
Ngày nay, khi đất đai bị khai phá làm nông nghiệp, nên cây dừa nước ít dần. Cùng với nền kinh tế ngày càng phát triển, các vật liệu xây dựng mới như ngói, tol... rất thuận tiện, lại sử dụng lâu bền, nên đa số người dân xây dựng nhà cửa bằng bê tông kiên cố. Tuy nhiên, còn nhiều người vẫn giữ lại ngôi nhà lá để dùng làm nơi lưu trữ, nhà mát. Ðặc biệt, tại các điểm du lịch sinh thái vùng sông nước Cà Mau, đa số người làm du lịch vẫn dùng lá dừa nước làm nhà, chống ồn rất tốt, vừa tạo không gian mát mẻ, gần gũi với môi trường sinh thái và phục vụ khách du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/binh-di-mai-la-a35049.html