Bình Định: Còn 3 hộ chưa phối hợp giao mặt bằng dự án nâng cấp quốc lộ 19

Ngành chức năng tỉnh Bình Định tiến hành vận động, di dời giải phóng mặt bằng các hộ còn lại trên dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án nâng cấp quốc lộ 19) đoạn qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Ngày 31/7, trao đổi với Người Đưa Tin ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cho biết, chính quyền các cấp huyện Tây Sơn nỗ lực thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời dân để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.

Còn vướng 3 hộ chưa thống nhất phương án đền bù, di dời

Theo UBND huyện Tây Sơn, thực hiện dự án này, đến nay UBND huyện đã phê duyệt 24 phương án bồi thường, hỗ trợ do GPMB với tổng kinh phí phê duyệt là hơn 76 tỷ đồng với 1.440 hộ dân bị ảnh hưởng; đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 1.435 hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo UBND huyện Tây Sơn, về cơ bản huyện đã bàn giao toàn bộ mặt bằng tuyến chính cho chủ đầu tư, đơn vị thi công.

Dự án đoạn qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định dài 17km. Ảnh:NL

Dự án đoạn qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định dài 17km. Ảnh:NL

Đến 31/7 trên tuyến này còn 3 hộ dân chưa thống nhất nhận tiền bồi thường. Các hộ này gồm hộ bà Nguyễn Thị Phượng, hộ ông Ngô Đức Quyệt và Đặng Thế Quang.

3 hộ này không thống nhất nhận tiền đền bù, đề nghị bồi thường đất nằm ngoài sổ đỏ, cho rằng giá đền bù thấp. Trong đó, hộ ông Quyệt và bà Phượng dù không thống nhất nhận tiền nhưng vẫn cho nhà thầu thi công đường gom.

Theo ông Khánh, thời gian qua, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động, nhiều lần xuống nhà người dân để đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Nhiều hộ dân sau khi làm việc ủng hộ, đồng thuận với các phương án đưa ra, nhờ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB.

"Đối với dự án này, trong quá trình triển khai, chính quyền các huyện Tây Sơn đặt công tác hỗ trợ, GPMB lên hàng đầu. Huyện đã nhiều lần tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công" ông Khánh cho hay.

Hạng mục thi công cầu Ba La hiện còn 3 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ảnh:TL

Hạng mục thi công cầu Ba La hiện còn 3 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ảnh:TL

Theo ông Khánh, trong 17km dự án đi qua huyện Tây Sơn, hạng mục thi công cầu Ba La thuộc gói thầu XL01 là hạng mục quan trọng quyết định tới tiến độ dự án. Vì có những vướng mắc trong GPMB ở hạng mục này, huyện Tây Sơn tập trung tối đa, tổ chức đối thoại và liên tục vận động, gặp gỡ người dân ở khu vực ảnh hưởng để bàn giải pháp.

Lý giải cho nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng, UBND huyện Tây Sơn cho hay, do nhiều hộ dân không đồng ý với phương án đền bù.

Một số hộ khác bị ảnh hưởng bởi việc dự án nâng nền đường lên cao từ 2-3 m so với nhà dân, dẫn tới cuộc sống và sinh hoạt khó khăn. Trong khi đó, việc thực hiện phương án thi công không lấy ý kiến của người dân, dẫn tới quá trình triển khai xảy ra một số vấn đề.

Sẽ cưỡng chế nếu hộ dân không đồng thuận giao mặt bằng

Theo UBND huyện Tây Sơn, để đảm bảo tiến độ dự án, chính quyền các cấp huyện Tây Sơn tiếp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động 3 hộ dân dưới cầu Ba La chấp hành phương án giải phóng mặt bằng đã được UBND huyện phê duyệt, khẩn trương nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Cùng với đó, huyện sẽ lập kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp các hộ dân không thống nhất nhận tiền giao mặt bằng trong tháng 8/2024.

"Quan điểm của địa phương là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân. Trên tinh thần đó, trường hợp nếu hộ dân nào không hợp tác, huyện tính toán tới phương án cuối cùng là cưỡng chế, bảo vệ thi công công trình" – ông Nguyễn Văn Khánh thông tin.

Một nhà dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Một nhà dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Đồng thời, huyện tiếp tục phối hợp với Ban quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, phương án bố trí nhân lực và thiết bị để triển khai thi công các hạng mục trong tháng 8/2024.

Tập trung cụ thể cho các đoạn tuyến cần bảo vệ thi công để có cơ sở xây dựng phương án, kế hoạch cưỡng chế, bảo vệ thi công đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Huyện Tây Sơn thông tin thêm, quan tới dự án, thời gian qua việc thi công lu nền đường gây hư hỏng, nứt nhà cửa, vật kiến trúc của nhân dân nhưng công tác giám định, bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng còn rất chậm.

Tổng số hộ dân có nhà ở, vật kiến trúc bị nứt do thi công công trình trên chiều dài toàn tuyến là 1.110 hộ (trong đó: xã Tây Giang có 728 hộ dân và xã Tây Thuận có 382 hộ dân).

Đến nay, chủ đầu tư đã thẩm định thiệt hại cho 757 hộ dânvà còn 353 hộ dân chưa được thẩm định thiệt hại. Chủ đầu tư đã thực hiện hỗ trợ, chi trả tiền bồi thường cho 248 hộ dân.

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19) có tổng chiều dài hơn 143 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Định (17km) và tỉnh Gia Lai (126 km); tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD. Trong đó, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương là 3,7 triệu USD. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Trong đó 17km đi quan tỉnh Bình Định là nằm ở địa bàn huyện Tây Sơn

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-dinh-con-3-ho-chua-phoi-hop-giao-mat-bang-du-an-nang-cap-quoc-lo-19-204240731173327906.htm