Bình Định điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Nhơn Hội
Tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Nhơn Hội.
KKT Nhơn Hội đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh
Theo Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, KKT Nhơn Hội thành lập năm 2005 theo Quyết định 141/2005/QĐ-TTg ngày 14/6/2005. Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 tại Quyết định số 514/QĐ-TTg ngày 8/5/2019 (gọi tắt là Quy hoạch chung 514).
Đến nay, việc đầu tư và xây dựng ở KKT Nhơn Hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực: hoàn thành 6 quy hoạch phân khu chức năng, các quy hoạch chi tiết của các dự án thứ cấp đáp ứng được yêu cầu thu hút đầu tư, cũng như triển khai dự án của các nhà đầu tư; Hệ thống kết cấu hạ tầng khung đảm bảo; Diện tích cho các nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án 4.148 ha, chiếm hơn 60% đất xây dựng của KKT Nhơn Hội.
Hiện KKT Nhơn Hội có 127 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 132.106 tỷ đồng, vốn đã thực hiện đạt 37.763 tỷ đồng. Trong đó, 16 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 669 triệu USD. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong KKT Nhơn Hội tạo việc làm cho 10.000 lao động.
Đặc biệt, các dự án du lịch đã đưa vào hoạt động như: quần thể du lịch sinh thái FLC Quy Nhơn, khu du lịch Maia Quy Nhơn Beach Resort, khu du lịch Kỳ Co, quần thủ du lịch sinh thái chùa Linh Phong, khu du lịch Trung Lương... góp phần đáng kể vào hoàn chỉnh hạ tầng du lịch tỉnh Bình Định, mang lại hiệu quả cao.
Từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là 5 năm thực hiện theo Quy hoạc chung 514, KKT Nhơn Hội là nơi tiếp nhận đa số các dự án đầu tư có quy mô tương đối lớn trên các lĩnh vực công nghiệp, đô thị và dịch vụ, du lịch... tác động tích cực đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh (tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng lên).
KKT Nhơn Hội trở thành "cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của Tp. Quy Nhơn và vùng phụ cận; là một trong những trung tâm phát triển chính của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đầu mối giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng của miền Trung và Tây Nguyên" chưa đạt như kỳ vọng.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh, suy thoái kinh tế toàn cầu... dẫn đến việc thu hút vào KKT Nhơn Hội chưa đạt kết quả như kỳ vọng; chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, có tính động lực, giá trị sản xuất công nghiệp trong địa bàn KKT tạo ra chưa cao...
Điều chỉnh quy hoạch chung để phát triển
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Vĩnh Sơn – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, cho biết, từ thực tế trên, cùng với việc thực hiện phát triển hệ thống KKT và các khu công nghiệp của tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030 trong quy hoạch tỉnh, tỉnh đang phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án "Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040".
Theo đó, trong quý II/2024 tỉnh Bình Định hoàn thành việc xin chủ trương của Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung KKT Nhơn Hội.
Trong quý III/2024 triển khai lập nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung KKT Nhơn Hội và phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung trong quý IV/2024. Trên cơ sở đó, hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung KKT Nhơn Hội và công bố quy hoạch trong năm 2025.
"Theo đó, trong tháng 8, UBND tỉnh Bình Định phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong quá trình thẩm định đồ án để Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt"- ông Sơn thông tin thêm.
Việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể KKT Nhơn Hội nhằm phù hợp với quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12/2023 có nhiều định hướng điều chỉnh so với Quy hoạch chung 514, như: bổ sung Khu trung tâm hành chính mới cấp tỉnh; bổ sung khu liên hợp thể dục, thể thao; bổ sung đường hầm xuyên biển từ Mũi Tấn đến bán đảo Phương Mai; bổ sung chức năng logistics (150 ha) vào phân khu 8.
Điều chỉnh chức năng một số lô đất sang lô đất ở đô thị, dịch vụ đảm bảo nguyên tắc đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật, không làm quá tải hệ thống hạ tầng của khu vực.
Bổ sung chức năng đô thị, du lịch tại núi Phương Mai để phát triển và phát huy lợi thế địa hình, cảnh quan...