Bình Định đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý
Ngày 7-2, UBND TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý'.
Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý ra đời cùng sự hình thành Trường Lăng - lăng Ông của người Việt thành lập đầu tiên ở Quy Nhơn vào đầu Triều Nguyễn, nằm thuộc địa phận thôn Lý Hòa ngày nay. Sử liệu ghi lại Trường Lăng ra đời muộn nhất là năm 1815. Năm 1839, làng Xương Lý được lập địa bạ chính thức, hương chức làng lựa chọn vị trí mới linh thiêng và tôn nghiêm để tái thiết, xây dựng mới Lăng Ông Nam hải Xương Lý tại triền núi Đơn thuộc thôn Lý Chánh ngày nay, và từ Trường Lăng ngư dân tổ chức lễ nghinh thần rước về Lăng Ông Xương Lý mới tái thiết vào năm 1839.
Với ưu thế điều kiện tự nhiên, gắn với không gian vạn chài Xương Lý, Lễ hội đã xuất hiện vào năm 1815, đến năm 1839, không gian chính Lễ hội được chuyển về bến đầm Xương Lý gọi là vũng Nồm và đầm Hưng Lương gọi là vũng Bấc. Hai làng Xương Lý và Hưng Lương được hình thành 2 ban vạn cổ truyền, song hành, gắn kết, cùng nhau xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bán đảo Nhơn Lý, góp phần mở cửa thông thương, giao lưu văn hóa.
Theo dòng chảy thời gian, làng chài Vũng Nồm - Xương Lý có nhiều nét văn hóa đặc trưng vùng biển được diễn ra tại Vạn đầm như ở lăng Ông, ở đình làng Xương Lý và các thiết chế truyền thống ở nơi này, đặc biệt lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là sự kiện trọng đại hàng năm của ngư dân vùng biển Nhơn Lý, loại hình di sản văn hóa phi vật thể luôn được gìn giữ, phát huy, lan tỏa trong cộng đồng ngư dân.
Lễ hội có quy mô lớn và gắn liền với dân nghề biển tại địa phương. Hàng năm Lễ hội chính thức được tổ chức trong ba ngày: mồng 9, 10 và 11 tháng Giêng âm lịch và ngày nay được kéo dài thêm để tổ chức các hoạt động dân gian, biểu diễn nghệ thuật Hát bội, Bài Chòi, hội chọi gà dân gian.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã được Bộ VH-TT&DL ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3994 ngày 10-12-2024. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ sáu của tỉnh Bình Định được vinh danh, kế tiếp sau di sản Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định, Nghệ thuật Bài Chòi Bình Định, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước), Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát).