Bình Định: Hướng tới phát triển lưới điện thông minh trên địa bàn

Công ty Điện lực Bình Định đã tập trung nguồn lực xây dựng bộ chỉ số được tuân thủ theo thông lệ quốc tế về phát triển lưới điện thông minh trên địa bàn.

Trong Chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tới năm 2030, tầm nhìn 2045, EVN đã xác định là một trong những tập đoàn điện lực hàng đầu khu vực với mục tiêu “ứng dụng rộng rãi công nghệ lưới điện thông minh”, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, EVN đã liên tục cải thiện, đầu tư nâng cấp lưới điện và công nghệ quản lý vận hành.

Tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 phê duyệt Đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển lưới điện thông minh như sau: “Phát triển lưới điện thông minh với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Công ty Điện lực Bình Định nỗ lực xây dựng hệ thống lưới điện thông minh (Ảnh: ĐLBĐ)

Công ty Điện lực Bình Định nỗ lực xây dựng hệ thống lưới điện thông minh (Ảnh: ĐLBĐ)

Bộ chỉ số lưới điện thông minh do EVN xây dựng sẽ đánh giá được hiện trạng lưới điện thông minh của các đơn vị trong tập đoàn, qua đó các đơn vị có thể đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch phát triển lưới điện thông minh tại từng đơn vị theo định hướng chung của tập đoàn.

Bộ chỉ số được xây dựng tuân thủ theo thông lệ quốc tế về phát triển lưới điện thông minh. Từ thực tiễn triển khai tại SPGroup cũng như tham khảo công thức tính toán các chỉ số theo tài liệu của Cục Điều tiết Điện lực – GIZ nêu trên, Tập đoàn xây dựng bộ chỉ số lưới điện thông minh SGI (Smart Grid Index) của EVN.

Tại Công ty Điện lực Bình Định hiện được đánh giá như: Giám sát và điều khiển, PC Bình Định đã tập trung tự động hóa lưới điện, hiện tại có 15/15 trạm biến áp 110kV đã vận hành ở chế độ không người trực.

Mọi thông số vận hành, cảnh báo sự cố được kết nối về trung tâm điều khiển qua hệ thống SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition - hệ thống điều khiển giámsát và thu thập dữ liệu).

Hiện nay Công ty Điện lực Bình Định đã trang bị hệ thống SCADA cho tất cả các xuất tuyến trung áp trên địa bàn tỉnh (133/133). Việc sử dụng hệ thống này để thao tác đóng cắt từ trung tâm điều khiển các đường dây, trạm biến áp, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị.

Năm 2024, dự kiến đưa vào vận hành hệ thống DAS có chức năng xác định vị trí sự cố trên lưới điện, tự động cô lập sự cố và khôi phục cấp điện cho khách hàng, áp dụng thí điểm cho 8 xuất tuyến trung áp khu vực trung tâm thành phố Quy Nhơn, giúp nâng cao độ tin cậy lưới điện.

Đến hết năm 2023, BĐPC đã lắp đặt công tơ điện tử có chức năng đo xa cho 475.699 khách hàng, tỷ lệ đạt 100%. Chức năng này cho phép tự động thu thập dữ liệu về dòng điện, điện áp, sản lượng tiêu thụ điện và các thông số khác theo thời gian thực. BĐPC đã trao quyền cho khách hàng theo dõi, giám sát tình hình sử dụng điện của mình ở mọi lúc, mọi nơi để quản lý nguồn năng lượng tiêu thụ một cách hiệu quả.

Các thông số điểm đo được tập trung và thống kê nhằm mục đích phân tích dữ liệu, qua hệ thống RF-Spider (hệ thống thu thập dữ liệu công tơ khách hàng (công tơ 1 pha) và DSPM (hệ thống thu thập dữ liệu công tơ Trạm biến áp (TBA) công cộng, TBA Khách hàng chuyên dùng; công tơ ranh giới, đầu nguồn, khách hàng, bán buôn nông thôn; công tơ đo đếm tại các TBA 110kV). Qua các hệ thống này, BĐPC có thể phân tích hành vi sử dụng điện của khách hàng, dự báo phụ tải để lập quy hoạch lưới điện, xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, giám sát và theo dõi tình trạng vận hành của hệ thống điện và các thiết bị điện.

Ngoài ra đối với độ tin cậy cung cấp điện, từ năm 2020 đến nay, các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện liên tục được cải thiện. Đây cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm trong công tác SXKD mà BĐPC hướng đến nhằm cung cấp dịch vụ điện tốt nhất cho khách hàng.

Được biết, khách hàng trên địa bàn tỉnh Bình Định có thể theo dõi các thông tin về điện thông qua ứng dụng CSKH cài đặt trên thiết bị di động hoặc truy cập trang web để nhận thông tin về sản lượng điện mọi lúc mọi nơi.

Hệ thống thu thập chỉ số từ xa giúp cho khách hàng có thể theo dõi tức thời các thông tin về chỉ số điện, sản lượng điện, thông số phụ tải 24/7 và được cảnh báo sản lượng bất thường,...

Các ứng dụng đều cho phép khách hàng nhận thông báo, tra cứu về tình hình sử dụng điện, các điểm và lịch thu tiền điện, biểu đồ phụ tải, ... và đồng thời, thực hiện yêu cầu đăng ký mua điện, thay đổi thông tin, thanh toán trực tuyến, được cảnh báo khi có “bất thường” trong sử dụng điện.

Với các công cụ tra cứu các thông tin tức thời khác như: Lịch tạm ngừng cung cấp điện, lịch ghi chỉ số, lịch sử thanh toán/sử dụng điện... khách hàng dễ dàng theo dõi tình hình cung cấp dịch vụ của ngành Điện vào bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ ở đâu.

Ngoài ra, khách hàng được cung cấp công cụ trực tuyến để ước tính điện năng, cũng như tính hóa đơn tiền điện sử dụng để có kế hoạch sử dụng phù hợp, chủ động.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-dinh-huong-toi-phat-trien-luoi-dien-thong-minh-tren-dia-ban-325985.html