Bình Định: Nhiều quy hoạch dự án khu vực ven biển chồng lấn với quy hoạch khoáng sản

Bình Định xin chủ trương đưa 2 điểm mỏ khai thác khoảng sản ra khỏi quy hoạch khoáng sản cả nước; đề nghị chấm dứt hiệu lực 8 giấy phép thăm dò. Mục đích để thực hiện lập, triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Một điểm mỏ khai thác titan tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Một điểm mỏ khai thác titan tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất Việt Nam liên quan đến hoạt động khoáng sản trong phạm vi các dự án đầu tư khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, sau khi Giấy phép khai thác khoáng sản số 359, ngày 19/12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp cho Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định hết hạn vào ngày 19/12/2024, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh ra khỏi quy hoạch khoáng sản cả nước đối với điểm mỏ Nam Đề Gi, huyện Phù Cát có diện tích 150 ha. Lý do là chồng lấn với diện tích quy hoạch chung Khu vực phía Nam đầm Đề Gi, huyện Phù Cát đến năm 2035.

Tương tự, sau khi Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương mại Bình Định trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản số 702, ngày 19/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (hoặc khi Giấy phép này hết hạn vào ngày 19/4/2025); UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa điểm mỏ titan Mỹ An 5, huyện Phù Mỹ có diện tích 180,7 ha ra khỏi quy hoạch khoáng sản cả nước. Lý do là để phục vụ lập quy hoạch các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc chấm dứt hiệu lực 8 giấy phép thăm dò khoáng sản, sa khoáng titan tại các vị trí. Lý do là các điểm mỏ này thuộc quy hoạch theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg, ngày 3/9/2013 đến nay đã hết hiệu lực và đã được thay thế bởi Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, 5 giấy phép tại huyện Phù Mỹ gồm giấy phép thăm dò số 2632, ngày 18/12/2008 đã cấp cho Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy với diện tích 98 ha, thuộc xã Mỹ Thọ; giấy phép thăm dò số 1095, ngày 16/6/2009 đã cấp cho Công ty cổ phần Khoáng sản Việt Phát với diện tích 99,58 ha tại điểm mỏ Mỹ An 4, xã Mỹ An.

Giấy phép thăm dò số 1129, ngày 19/6/2009 đã cấp cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển MTC với diện tích 180,2 ha, thuộc xã Mỹ Đức và Mỹ Thắng; giấy phép thăm dò số 1593, ngày 31/8/2010 đã cấp cho Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản VICO Bình Định với diện tích 202,7 ha, thuộc xã Mỹ Thắng.

2 giấy phép tại huyện Phù Cát gồm Giấy phép thăm dò số 1862, ngày 21/7/2015 đã cấp cho Công ty cổ phần Khoáng sản Việt Phát với diện tích 52 ha thuộc Khu vực Bắc Đề Gi 1, xã Cát Thành; giấy phép thăm dò số 44, ngày 14/01/2010 với diện tích 179 ha thuộc khu vực Bắc Đề Gi, xã Cát Thành và xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đã cấp cho Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn -Quy Nhơn.

Cùng với đó là Giấy phép thăm dò số 927, ngày 19/5/2009 đã cấp cho Công ty cổ phần Tín Hưng với diện tích 101,2 ha, thuộc xã Cát Thành và Cát Khánh, huyện Phù Cát và 217,16 ha tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ. Các giấy phép thăm dò này đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc tỉnh đề nghị trên là để “thực hiện lập và triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực có khoáng sản sa khoáng titan ở khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh Bình Định chồng lấn với quy hoạch khoáng sản của trung ương hoặc đã được cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản, hoặc được nhà nước đầu tư điều tra đánh giá về khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản, phù hợp với chủ trương của tỉnh Bình Định về khai thác titan”.

Nguyễn Toàn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/binh-dinh-nhieu-quy-hoach-du-an-khu-vuc-ven-bien-chong-lan-voi-quy-hoach-khoang-san-d218623.html